Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII: Đề nghị giữ hình phạt tử hình với tội tham nhũng, ma túy
Thứ Ba, 03/11/2015, 11:37 [GMT+7]
Ngày 30-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo Bộ luật đã thể hiện rõ tính nhân đạo, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh.
Quy định cụ thể các tội hình sự đối với người chưa thành niên
Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định cụ thể các tội mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ bảo đảm tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý hình sự đối với người chưa thành niên theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, đồng thời, tạo cơ sở để phân hóa trong việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng, quy định cụ thể các tội danh mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như Khoản 2 Điều 12 Dự thảo Bộ luật.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường |
Đề nghị giữ hình phạt tử hình với tội tham nhũng, ma túy
Về hạn chế hình phạt tử hình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình; gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy, vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Về việc không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội theo hướng này.
Nhiều ý kiến tán thành bỏ hình phạt tử hình như Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, đại biểu Siu Hương (tỉnh Gia Lai) đề nghị, vẫn thi hành án tử hình đối với những tội phạm bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ chủ động khắc phục hậu quả (điểm c, khoản 3, Điều 40 Dự thảo Bộ luật). Đại biểu Siu Hương nhấn mạnh, đây là hai trường hợp phạm tội nặng nhất trong các tội phạm tham nhũng và việc áp dụng hình phạt tử hình có tác dụng răn đe, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum), việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nhưng đã chủ động khắc phục hậu quả có thể dẫn đến trường hợp người phạm tội có tư tưởng chờ xem án sẽ tuyên ra sao, nếu bị tuyên mức án tử hình thì mới “chủ động” khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để tránh án.
Đại biểu Nguyễn Minh Kha (thành phố Cần Thơ) và đại biểu Danh Út (tỉnh Kiên Giang) đề nghị, giữ hình phạt tử hình đối với các tội phạm ma túy. Theo đại biểu Nguyễn Minh Kha, hoạt động mua bán trái phép ma túy với số lượng lớn hiện nay phần lớn do các đường dây, tổ chức có quy mô lớn và chặt chẽ thực hiện, với diễn biến ngày càng nguy hiểm và phức tạp. Tội phạm ma túy còn gây nguy hại cho xã hội và là nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề nghị, cân nhắc không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh, chống loài người, bởi đây là những tội rất nghiêm trọng.
Thanh Chi
(Báo điện tử Đại biểu nhân dân)
;