Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp
Thứ Ba, 03/11/2015, 11:28 [GMT+7]
Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp (Đề án 258) đã chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc, khó khăn trong công tác giám định phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết: Khó khăn, vướng mắc lớn hiện nay là việc hướng dẫn thực hiện Luật giám định tư pháp của một số bộ, ngành như: Tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám định phục vụ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, kinh tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp phát biểu tại buổi làm việc |
Nhiều nội dung trưng cầu giám định vượt ra khỏi phạm vi chuyên môn, lĩnh vực, có yêu cầu người giám định xem xét, đánh giá, cho ý kiến cả về những vấn đề pháp lý của vụ án, không sát với việc cần giám định, không phù hợp với tính chất chuyên môn.
Các cơ quan tố tụng còn lúng túng, khó khăn trong việc tìm kiếm, lựa chọn, trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định tập trung gửi đến các bộ, sở quản lý chuyên ngành và ít hướng dẫn đến trưng cầu các tổ chức chuyên môn có năng lực ngoài khu vực Nhà nước trong trường hợp cần thiết.
Trên cơ sở những khó khăn này, Bộ Tư pháp kiến nghị các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, các bộ sớm ban hành hướng dẫn về quy trình giám định chuẩn ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác giám định tư pháp bước đầu đã đi vào nền nếp, phục vụ có hiệu quả công tác giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giám định tư pháp đến các tầng lớp nhân dân; lên kế hoạch triển khai Luật giám định tư pháp; công khai hóa đầu mối các bộ về công tác giám định, phân công trách nhiệm rõ ràng công tác giám định đối với từng địa phương, đơn vị.
Đồng thời, rà soát, củng cố đội ngũ giám định viên, đổi mới cách thức giám định; nâng cao trình độ và đào tạo bồi dưỡng giám định viên; có cơ chế cụ thể tạo điều kiện về chế độ, chính sách; giải quyết các thủ tục giám định một cách nhanh chóng, thuận lợi, nhất là định giá tài sản giám định trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Lê Sơn
(Báo điện tử Chính phủ)
;