Dự thảo Luật đấu giá tài sản: Cần quy định chặt chẽ, ngăn ngừa tiêu cực
Thứ Sáu, 20/11/2015, 16:04 [GMT+7]
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 19-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật đấu giá tài sản.
Dự thảo Luật đấu giá tài sản gồm 8 chương, 78 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Dự thảo Luật không áp dụng đối với việc đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài và chứng khoán.
Đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến |
Tuy nhiên, đề cập tới vấn đề đang tồn tại trong hoạt động đấu giá, cần được xử lý trong Luật đấu giá tài sản, nhiều đại biểu cho rằng: Dự thảo luật cần chế định chặt chẽ, ngăn ngừa tiêu cực gây thất thoát tài sản.
Nhiều đại biểu cho rằng, thực tiễn cho thấy, hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua, do khung pháp luật thiếu chặt chẽ và do đạo đức của một bộ phận những đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng trong hoạt động đấu giá đã làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là đấu giá tài sản thi hành án dân sự, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đưa ra ví dụ, có trường hợp địa phương giao đấu giá khu đất 3 ha để làm trung tâm thương mại và có giá khởi điểm là 30 triệu đồng/m². Nhà đầu tư đến xem xét thấy không khả thi nên không tham gia. Nhà đầu tư khác được chỉ định đến mua và 3-6 tháng sau xin chuyển khu đất sang chia lô, xây nhà chung cư và giá nhảy từ 30 triệu đồng/m² lên 60 triệu đồng/m². Việc đồng ý cho thay đổi quy hoạch như vậy là bẫy nhà đầu tư khác.
Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng, đây là điểm cần nghiên cứu để tránh thất thoát cho ngân sách bởi đó là kẽ hở trong dự thảo. Do vậy, dự thảo cần phải đưa ra tiêu chí là phải đúng quy hoạch, thiết kế ban đầu, nếu thay đổi thì nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào ngân sách.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), hiện dự thảo mới chỉ nghiêm cấm các hành vi vi phạm với đấu giá viên, doanh nghiệp nhưng thực tế không chỉ những đối tượng này tham gia vào hoạt động "quân xanh, quân đỏ" mà còn các đối tượng khác như người tham gia đấu giá, người quản lý vì họ có khả năng tác động đến hoạt động đấu giá. Từ thực tế hiện nay, đề nghị cần rà soát Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi, bổ sung để xử lý các hành vi thông đồng trục lợi để tạo sự đồng bộ trong thực thi.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng quan tâm tới quy định về đấu giá viên trong dự thảo Luật. Dự thảo quy định đấu giá viên là người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá và điều hành cuộc đấu giá theo quy định của Luật.
Về vấn đề này, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho biết, quy định như vậy chưa thực sự chính xác bởi đấu giá viên không chỉ làm nhiệm vụ điều hành cuộc đấu giá, mà còn thực hiện nhiều công việc khác có liên quan. Do vậy, nên định nghĩa lại là: “Đấu giá viên là người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Đấu giá viên theo quy định của Luật này”.
Theo dự thảo Luật, Chứng chỉ hành nghề đấu giá quy định người không hành nghề đấu giá tài sản trong thời gian 02 năm, kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá thì có thể bị xem thu hồi Chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, đại biểu Tiến cho rằng, Luật cần quy định rõ thế nào là “không hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 02 năm”. “Một người tham gia làm việc tại công ty đấu giá nhưng công ty đó không tổ chức được cuộc đấu giá nào trong vòng 02 năm hoặc có tổ chức nhưng người đó không được tham gia điều hành thì có bị coi là vi phạm quy định này hay không?”, đại biểu Tiến nêu rõ.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Thân Đức Nam cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ địa vị pháp lý của đấu giá viên. Bởi vậy, cần xem đấu giá viên là định chế bổ trợ tư pháp Giám định viên, thừa phát lại, công chứng viên…
“Tôi đồng tình cần xã hội hóa tổ chức đấu giá tài sản, nhưng đây là hoạt động đặc thù, mà yếu tố đạo đức, tinh thần tuân thủ pháp luật, sự quan tâm trong hoạt động quan trọng hơn là yếu tố bằng cấp. Dự thảo Luật quá chú trọng yếu tố bằng cấp, đào tạo nghề nghiệp, mà chưa chú trọng đúng mức đến yếu tố đạo đức”, đại biểu cho biết.
Đại biểu cũng đề nghị, chế định thêm một số điều khoản quy định về những điều cấm và biện pháp chế tài đối với đấu giá viên và doanh nghiệp vi phạm đạo đức nghề nghiệp như thông đồng, nội gián trong hoạt động đấu giá, chế tài nghiêm đối với hành vi dùng thủ đoạn để ép giá, dùng thủ đoạn để tạo ra “quân xanh, quân đỏ”.
Thu Hằng
(Báo Điện tử ĐCSVN)
;