Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi): Xác định rõ thời điểm và phạm vi tài liệu vụ án bị can được đọc, ghi chép
Thứ Hai, 09/11/2015, 11:15 [GMT+7]
Để bảo đảm quyền tự bào chữa của bị can thì quy định kể từ khi kết thúc điều tra, bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao các tài liệu liên quan là cần thiết, tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi cần xác định rõ thời điểm và phạm vi các tài liệu bị can được đọc, ghi chép… Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 6-11.
Số hóa hồ sơ vụ án để triển khai thuận lợi quyền của bị can
Tán thành với quy định quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng, dự thảo đã bổ sung cho bị can quyền quan trọng, Hiến pháp năm 2013 quy định người bị buộc tội được bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Vậy để thực hiện quyền bào chữa yều cầu tối thiểu là cho bị can được biết chứng cứ tài liệu mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sử dụng để buộc tội. Đây là đổi mới rất quan trọng của dự án Bộ luật nhằm thể chế hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013. Điều 59 dự thảo Bộ luật đã quy định về phạm vi tài liệu được đọc, theo đó bị can có quyền đọc ghi chép bản sao tài liệu đã được số hóa, liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa.
Theo đại biểu, với quy định như vậy phạm vi tài liệu mà bị can được đọc là rất rộng. Thực tế cho thấy có những vụ án lớn, tài liệu rất nhiều, nên để bảo đảm an toàn hồ sơ vụ án và tạo điều kiện thuận lợi cho bị can tiếp cận tài liệu thì ngay sau khi thông qua Bộ luật tố tụng hình sự, đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao các cơ quan tư pháp thực hiện đề án số hóa hồ sơ vụ án nhằm triển khai thuận lợi những quy định của bộ luật
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh (tỉnh Phú Thọ) phát biểu tại Hội trường |
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng bày tỏ sự tán thành với quy định bị can, bị cáo có quyền được đọc, ghi chép, bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra, khi có yêu cầu được quy định tại điều 59 dự thảo Bộ luật. Theo đại biểu, quy định này của bị can và thời điểm thực hiện quyền này là khi kết thúc điều tra, do đó không nên quy định là khi có yêu cầu. Việc quy định như vậy dễ được hiểu quyền đó được thực hiện một cách có điều kiện. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị ghi nhận quyền được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án của bị can một cách hoàn toàn và đầy đủ, còn thực hiện quyền đó hay không là việc của bị can. Đồng thời, cần bổ sung quy định rõ về thời gian bị cáo đọc, ghi chép tài liệu.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Bộ luật phải giới hạn lại việc đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án của bị can được thực hiện đến khi nào. Bởi nếu không quy định rõ dễ dẫn đến việc tại phiên tòa mà bị cáo lại đòi được ghi chép tài liệu, dẫn đến phải hoãn phiên tòa gây tốn kém. Việc không quy định chặt chẽ cũng dẫn đến việc bị can tận dụng kẽ hở của pháp luật để xin hoãn phiên tòa. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định rõ 5 ngày trước khi mở phiên tòa bị can, bị cáo không được quyền yêu cầu sao chép tài liệu. Quy định như vậy sẽ tránh được trường hợp bị lạm dụng.
Mở rộng quyền tiếp cận hồ sơ, tài liệu cho bị can
Về quyền cho người bị buộc tội được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo yêu cầu, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đồng tình với quan điểm, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là mở rộng quyền tiếp cận hồ sơ, nghiên cứu đọc các tài liệu liên quan đến buộc tội, gỡ tội cho bị cáo ở tất cả các trường hợp và không phân biệt họ có nhờ người bào chữa hoặc tự bào chữa. Tuy nhiên, theo quy định của khoản 1 điều 59 dự thảo Bộ luật thì quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này. Như vậy, việc quy định như trên là không thể hiện đầy đủ quyền của người bị buộc tội.
Trên thực tế hồ sơ, việc hoàn trả hồ sơ cung cấp thêm tài liệu chứng cứ, bổ sung thêm khởi tố, điều tra, truy tố đối với tội phạm diễn ra ở tất cả các giai đoạn tố tụng. Nếu chỉ cho bị can tiếp cận với hồ sơ tức là chỉ cho những người bị buộc tội tiếp cận với hồ sơ ở giai đoạn điều tra, còn các hồ sơ chứng cứ được bổ sung trong các giai đoạn tiếp theo như giai đoạn khởi tố, giai đoạn xét xử thì không được tiếp cận. Đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy dẫn đến người bị buộc tội không được tiếp cận đầy đủ những tài liệu, hồ sơ liên quan đến buộc tội, gỡ tội họ có trong hồ sơ vụ án. Do đó, đề nghị phải bổ sung bị cáo tức người bị buộc tội giai đoạn khởi tố, giai đoạn xét xử cũng phải có quyền này.
Ngoài ra, đối với người bị buộc tội là những người hạn chế về mặt năng lực, hành vi nhất là những người liên quan đến khuyết tật bẩm sinh như mù, câm, điếc thì tự họ không thể thực hiện được quyền tiếp cận hồ sơ đọc, ghi chép những tài liệu liên quan đến buộc tội, gỡ tội mà phải thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp. Do đó, theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, trong trường hợp này để thực hiện quyền tự bào chữa và bào chữa của mình thì bị can, bị cáo phải thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của họ.
Chính vì vậy, đề nghị phải mở rộng quyền tiếp cận hồ sơ, đọc các tài liệu chứng cứ liên quan đến buộc tội, gỡ tội cho không chỉ cho bị can mà cho cả bị cáo và những người đại diện hợp pháp của họ trong trường hợp bị can, bị cáo là người bị hạn chế về năng lực hành vi.
Lê Hoa
(Báo Đại biểu nhân dân)
;