Quốc hội thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội
Thứ Sáu, 23/10/2015, 14:08 [GMT+7]
Ngày 22-10, trong ngày làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận ở tổ các vấn đề liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách Nhà nước (bao gồm việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế) và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.
Các đại biểu cũng đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cũng được thảo luận.
Các đại biểu thảo luận tại Tổ |
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIII ngày 20-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016.
Báo cáo khẳng định những kết quả đã đạt được về kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015 là: Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối; các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực, chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả; văn hoá, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường; hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn các hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục như: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.... Tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế, khắc phục còn chậm. Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa thật chủ động, hiệu quả chưa cao. Chưa phát huy hết các lợi thế và chuẩn bị tốt các điều kiện cho chủ động hội nhập....
Cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, song với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, bức tranh kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao. GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt một số kết quả tích cực bước đầu. An sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng vẫn còn không ít vấn đề đặt ra cần được đánh giá sâu hơn liên quan đến bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực, năng suất lao động, thể chế kinh tế…
Thanh Phương
(Báo Điện tử Chính phủ)
;