Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Thứ Tư, 14/10/2015, 13:46 [GMT+7]
Ngày 13-10, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp Phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban Chỉ đạo, để xem xét và thảo luận các đề án của Bộ Công an, Bộ Tư pháp về các biện pháp tăng cường phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp.
Tại Phiên họp này, Chủ tịch Nước và các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã nghe và thảo luận các đề án: “Tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng công an nhân dân” do lãnh đạo Bộ Công an trình bày; “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý” do lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày. Các thành viên đã đóng góp ý kiến cụ thể vào các nội dung của các đề án như tính cấp thiết, mục tiêu, phạm vi; thực trạng tiêu cực và công tác tổ chức thực hiện.
Quang cảnh Phiên họp |
Đây là các đề án quan trọng, nhất là trong bối cảnh Trung ương Đảng tiếp tục thể hiện quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng bằng Nghị quyết Trung ương 4 Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Thường trực Ban Chỉ đạo đặc biệt quan tâm đến tính ứng dụng của 2 đề án được trình bày và đề nghị các cơ quan trình đề án cần cụ thể hóa các giải pháp thành quy chế, quy định cụ thể để nâng cao tính hiệu quả trong triển khai thực hiện. Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất cao với kiến nghị của Bộ Tư pháp về công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong công tác phòng, chống tiêu cực.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá các đề án đã bám sát yêu cầu, định hướng đề ra, được chuẩn bị kỹ lưỡng, có tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và được nghiên cứu, tổng hợp công phu từ thực tiễn hoạt động chuyên ngành. Chủ tịch Nước nhất trí với ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ thêm nội dung nhận diện hành vi tiêu cực trong từng ngành. Vai trò công tác giám định tư pháp, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng cũng cần được tập trung hơn. Một giải pháp rất quan trọng trong việc phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Chủ tịch Nước đề nghị các đơn vị chủ trì đề án tiếp thu các ý kiến đóng góp, đảm bảo tính chính xác và tính khả thi.
Về định hướng chung, Chủ tịch Nước cho rằng cả hệ thống phải kiên trì trong việc xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh, công minh, công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ. Xây dựng các đề án phòng chống, tiêu cực trong các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là những cơ quan thể hiện uy tín của chế độ, là chỗ dựa của các tổ chức, người dân, do vậy chỉ một sai phạm nhỏ cũng để lại tác động lớn đến tình cảm và lòng tin. Các hoạt động tư pháp nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung phải coi đây là công việc thường xuyên do thực tiễn luôn phát sinh những tình huống mới. Nhất thiết từng đề án phải thể hiện được sự đột phá, xoay chuyển được tình hình.
Về tổ chức thực hiện, Chủ tịch Nước nhấn mạnh phải tránh tình trạng khẩu hiệu hay, chính sách đúng nhưng khi thực hiện gặp nhiều hạn chế, cần rà soát lại hệ thống, nếu phát hiện thấy những khiếm khuyết phải có sự phân công, phân nhiệm lại rõ ràng đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ; tiếp tục hoàn thiện công tác giám sát giữa các ngành trong hệ thống tư pháp, đồng thời tăng cường tối đa giám sát của xã hội bằng các cơ chế đã có như Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, theo đúng với tư tưởng của Nghị quyết đại hội XI, có quyền lực nhưng cũng có cơ quan kiểm soát quyền lực.
Hồng Phúc
(Đài THVN)
;