Phát huy dân chủ trong thời kỳ Internet, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giám sát và phản biện xã hội

Thứ Ba, 27/10/2015, 13:56 [GMT+7]
    Ngày 26-10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức Tọa đàm "Phát huy dân chủ trong thời kỳ Internet, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giám sát và phản biện xã hội". Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Tọa đàm.
 
    Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh của cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả chưa như mong đợi khiến nhân dân bức xúc. Mặt trận đã và đang góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở Hiến pháp 2013 và Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị và các bộ, ngành liên quan triển khai giám sát trên 8 lĩnh vực: việc thực hiện chính sách đối với người có công, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, việc sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo…
 
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
    Theo PGS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, muốn phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Nhưng cần làm rõ chủ thể, đối tượng và phương pháp, hình thức giám sát, phản biện; điều kiện đảm bảo sự thành công của hoạt động giám sát và phản biện xã hội là gì. “Phải có văn hóa giám sát, phản biện. Thái độ giám sát, phản biện phải với ý thức xây dựng, để Đảng, Nhà nước mạnh hơn chứ không phải để công kích nhau. Báo chí là công cụ rất quan trọng để thực hiện giám sát, phản biện nên phải được tăng cường”.
 
    PGS.TS. Phạm Quang Hoan cho rằng, để đẩy lùi tham nhũng, ngoài tăng cường hơn nữa tính minh bạch, công khai, cần bổ sung thêm trách nhiệm giải trình, giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường dân chủ ở cơ sở để giải quyết dứt điểm các tồn đọng về mặt xã hội.
 
    Ông Nguyễn Xuân Cường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất, phải có quyết tâm chính trị lớn và cơ quan chống tham nhũng đủ quyền uy, xây dựng được cơ chế bảo đảm và những người chống tham nhũng không tham nhũng.
 
    Các ý kiến phát biểu và tham luận cũng thống nhất cao với dự thảo góp ý Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng với chủ đề “Phát huy dân chủ trong thời kỳ Internet, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giám sát và phản biện xã hội”; đồng thời, đề xuất cần có cơ chế để người dân thể hiện tốt hơn vai trò trong cuộc đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực cũng như hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng các cấp.
Vân Anh
;
.