Người dân kỳ vọng việc sửa đổi Luật tố tụng hành chính
Thứ Tư, 28/10/2015, 15:13 [GMT+7]
Ngày 27-10, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); nghe và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).
Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử sơ thẩm các vụ kiện quy định hành chính cấp huyện trở lên
Một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận là việc phân định thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Điều 32 và 33 dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).
Bên cạnh những ý kiến tán thành, còn có những ý kiến không tán thành việc giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tại các Điều 32 và 33 của dự thảo Luật nhằm hạn chế tác động từ phía Ủy ban nhân dân cấp huyện, ảnh hưởng đến sự độc lập, khách quan của thẩm phán khi xét xử vụ án.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng không quy định mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm và khiếu nại, khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp |
Đại biểu phân tích: việc quy định tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ khiếu nại, khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện là chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong đó có việc mở rộng thẩm quyền xét xử cho tòa án nhân dân cấp huyện, chưa đề cao được vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết vụ án.
Nếu cho rằng tòa án nhân dân cấp huyện phụ thuộc vào chính quyền địa phương nên không thể khách quan xét xử thì tình trạng tương tự cũng không khả thi ở tòa án cấp tỉnh.
Ý kiến của đại biểu Thân Đức Nam cũng tương đồng với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc phân định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính hiện hành là phù hợp với thực tiễn và định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam.
Việc đề xuất giao thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như dự thảo Luật là không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện.
Bên cạnh đó, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh cũng như không nêu cao được trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện trong giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính.
Theo lập luận này, cũng sẽ không hợp lý nếu dự thảo Luật vẫn giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh như Luật hiện hành.
Tại kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có hướng sửa đổi đúng và tích cực là xác định tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính của các cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên vì đã cơ bản giải tỏa tâm lý e ngại của người dân khi có việc phải hầu tòa để tìm sự công bằng, tác động tích cực đến việc xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng việc quy định quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong giải quyết vụ án.
Chủ trương cải cách tư pháp là tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện, bảo đảm cho thẩm phán và tòa án độc lập xét xử. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn phụ thuộc nhiều vào cấp ủy và cơ quan hành chính, tính độc lập của thẩm phán bị chi phối nhiều bởi việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, trong nhiều trường hợp, các bản án quy định của Tòa án nhân dân cấp huyện khi giải quyết đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện bị ảnh hưởng và chi phối.
Điều này làm vị thế vai trò của thẩm phán cấp huyện yếu đi, về lâu dài khiến người dân không tin tưởng vào tòa án hành chính và sẽ tiếp tục lựa chọn giải quyết bằng con đường khiếu nại, khiến tình trạng khiếu nại kéo dài, phức tạp.
Trong khi đó, thẩm phán hành chính ở cấp huyện do quá ít điều kiện giải quyết án hành chính nên thường gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện một mặt không làm quá tải về công việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, mặt khác, khiến cho tính độc lập, chuyên sâu của thẩm phán hành chính tăng cường và đảm bảo hơn.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính đề nghị giao Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trước các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ e ngại quy định Tòa án nhân dân tối cao xét xử sơ thẩm các vấn đề liên quan đến Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ không phù hợp với Luật tổ chức Tòa án nhân dân vừa được Quốc hội thông qua. Do còn có những ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu.
Về vấn đề người đại diện được quy định tại Điều 62 dự thảo luật, các đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang), Phạm Văn Hà (Nghệ An), Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đều cho rằng trong tố tụng hành chính, người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện.
Trong quá trình tố tụng, người bị kiện có quyền sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, dừng hoặc khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện.
Quyền này chỉ có thể do chính người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền thực hiện mới có hiệu quả, bảo đảm khắc phục nhanh chóng những sai sót của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
Thực tiễn giải quyết vụ án hành chính cho thấy, nhiều trường hợp người bị kiện chỉ ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc đại diện tham gia tố tụng nên mang tính hình thức, gây nhiều trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vì người được ủy quyền không có đủ thẩm quyền quyết định về những vấn đề mới phát sinh tại tòa án.
Để khắc phục được những hạn chế hiện nay, nhiều đại biểu đồng tình với việc cho phép ủy quyền nhưng không nên quy định người được ủy quyền là cấp phó bởi thực tế không phải cứ cấp phó là người nắm rõ vấn đề, nên quy định trường hợp người bị kiện là cơ quan tổ chức thì người được ủy quyền phải là người có thẩm quyền giải quyết vụ việc, hoặc nêu rõ cấp phó là người có trách nhiệm giải quyết vụ việc, phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định.
Các đại biểu tán thành với nhiều điểm bổ sung sửa đổi của Luật, nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, cần quy định thẩm quyền tòa án đối với khiếu kiện các quyết định hành vi, hành chính mang tính nội bộ, tòa án giải quyết bằng thủ tục tư pháp sẽ đảm bảo minh bạch, công khai, bảo vệ tốt hơn quyền lợi ích của công dân.
Chu Thanh Vân
(TTXVN)
;