Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10-2015
Thứ Sáu, 30/10/2015, 10:55 [GMT+7]
Ngày 29-10, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10-2015, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015, báo cáo về xác định chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 và một số vấn đề quan trọng khác.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, trong 10 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt kết quả tăng trưởng cao hơn năm trước.
Phiên thường kỳ tháng 10-2015 của Chính phủ |
Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ít biến động và được kiểm soát ở mức thấp, ước cả năm tăng khoảng 2%; tăng trưởng tín dụng đạt khá và cao hơn tốc độ huy động vốn; chất lượng tín dụng được cải thiện; nợ xấu giảm nhanh và đến nay đã hoàn thành mục tiêu của cả năm là xuống dưới 3%; tổng cầu và sức mua tăng; thu nội địa đạt khá; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt; sản xuất công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao hơn nhiều so với năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10 tiếp tục tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá; vốn FDI đăng ký và thực hiện tăng cao so với cùng kỳ, 10 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn FDI đăng ký ước đạt gần 19,3 tỷ USD. Hoạt động phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng cao. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả. An sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm, trong 10 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 1.362 nghìn người, đạt 85% kế hoạch và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng bảo trợ xã hội,… được quan tâm và triển khai thực hiện hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, qua cập nhật thông tin 10 tháng đầu năm, có thể khẳng định nhìn tổng thể, tình hình kinh tế xã hội - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Vấn đề còn lại của 2 tháng cuối năm là phải nỗ lực cao nhất; những nhiệm vụ nào đã làm tốt cần phải làm tốt hơn, những gì còn yếu kém phải ra sức khắc phục để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2015, nhất là phải phấn đấu đạt hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2015; tạo tiền đề, nền tảng cho những bước phát triển tiếp theo trong những năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng trong những tháng còn lại của năm 2015, tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp; thắt chặt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với việc xây dựng Chính phủ điện tử. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần tiếp tục tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Thiện Thuật
(TTXVN)
;