Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 trước Quốc hội

Thứ Năm, 29/10/2015, 09:45 [GMT+7]
    Ngày 28-10, báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015 trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) tăng. Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được đưa ra xét xử nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
 
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015
    Thu hồi tài sản qua thanh tra từng bước được tăng cường
 
    Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2015, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp PCTN và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều mặt công tác. 
 
    Công tác thanh tra, giải quyết KN,TC góp phần PCTN được tăng cường hơn. Qua đó, đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán tăng hơn nhiều so với năm 2014. “Số lượng vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra xử lý tăng, đặc biệt đã tách bạch được các vụ việc, tài sản có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết KN,TC”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
 
    Công tác thu hồi tài sản thông qua hoạt động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra từng bước được tăng cường.
 
    Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được đưa ra xét xử nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
 
    Vai trò của Mặt trận tổ quốc, báo chí và xã hội trong công tác PCTN tiếp tục được phát huy và đạt những kết quả tích cực. 
 
    Một số vụ án tham nhũng được khởi tố, điều tra qua thông tin do báo chí, người dân cung cấp; quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng từng bước được hoàn thiện hơn.
 
    Tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật có chiều hướng gia tăng
 
    Bên cạnh kết quả quan trọng đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; chưa xử lý triệt để, nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; thiếu quy định có hiệu quả để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. 
 
    Đặc biệt, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm, trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. 
 
    “Đây là vấn đề cần nghiêm khắc đánh giá hiệu quả PCTN của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách về PCTN”, ông Hiện nhấn mạnh.
 
    Công tác chống tham nhũng của các đơn vị chuyên trách vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ, trinh sát điều tra, nghiệp vụ cơ bản để phát hiện tham nhũng. 
 
    Tỷ lệ giải quyết án tham nhũng của các cơ quan tư pháp Trung ương còn thấp (ở Cơ quan điều tra Bộ Công an đạt 45,8%; Viện kiểm sát tối cao đạt 64,3% và do Viện kiểm sát tối cao ủy quyền công tố đạt 46,2%). 
 
    Tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có chiều hướng gia tăng. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố 13 vụ án về tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tư pháp.
 
    Chưa “thanh lọc” được cán bộ tham nhũng
 
    “Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân của việc các cơ quan có chức năng chống tham nhũng đã được đầu tư nhiều nguồn lực, nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm trong khi tình hình tham nhũng theo đánh giá trong báo cáo vẫn nghiêm trọng, phức tạp”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
 
    Theo Ủy ban Tư pháp, một trong những nguyên nhân quan trọng là kỷ cương quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
 
    Số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị nghiêm khắc.
 
    Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo; bệnh quan liêu, thành tích vẫn nặng nề.
 
    Công tác trinh sát điều tra, nghiệp vụ cơ bản và phòng ngừa nghiệp vụ chưa được tăng cường đúng mức; công tác tự thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nơi còn buông lỏng, có biểu hiện khép kín xử lý nội bộ.
 
    Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với phương hướng, nhiệm vụ và các kiến nghị của Chính phủ trong công tác PCTN thời gian tới. 
 
    Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp có tính chất phòng ngừa, theo Ủy ban Tư pháp, Chính phủ cùng Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tập trung hơn nữa các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, xử lý thật nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng.
                                                                                   Thảo Nguyên
                                                                                  (Báo Thanh tra)
;
.