Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Ban hành quyết định hành chính
Thứ Tư, 16/09/2015, 16:03 [GMT+7]
(BNCTW) - Chiều 15-9, tại Hà Nội, đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì Phiên họp thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Ban hành quyết định hành chính (BHQĐHC), phục vụ Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Phiên họp, đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày Tờ trình về dự án Luật BHQĐHC. Theo đó, QĐHC có vai trò lớn trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, là hoạt động cơ bản của nền hành chính, đòi hỏi phải tuân thủ đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc ban hành các QĐHC còn nhiều hạn chế, không ít trường hợp QĐHC được ban hành không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa hợp pháp và hợp lý, xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức… Việc xây dựng Luật BHQĐHC nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong ban hành QĐHC, bảo đảm tính thống nhất về nguyên tắc, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành các QĐHC.
Toàn cảnh Phiên họp |
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật không áp dụng đối với việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh và trong hoạt động tố tụng; quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; QĐHC ban hành trong trường hợp khẩn cấp; QĐHC áp dụng chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc loại trừ các quyết định nêu trên khiến cho phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quá hẹp; chưa bảo đảm mọi QĐHC được ban hành phải tuân theo trình tự, thủ tục thống nhất trong luật này; hơn nữa, các quyết định này thường phổ biến, tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nhưng lại chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Do vậy, có ý kiến đề nghị làm rõ những QĐHC được điều chỉnh trong dự thảo Luật này và sự cần thiết phải ban hành Luật để điều chỉnh đối với những loại quyết định này.
Về chủ thể ban hành QĐHC, dự thảo Luật quy định cơ quan ban hành QĐHC gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Thủ trưởng các đơn vị được tổ chức theo ngành dọc; Ủy ban nhân dân các cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.
Đa số ý kiến cho rằng, chủ thể ban hành QĐHC rất rộng, không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước, mà còn là các cơ quan, cá nhân khác như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch Nước… Bên cạnh đó, việc không quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chủ thể ban hành QĐHC cũng không đúng vì Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu cơ quan này. Hơn nữa, các QĐHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến lợi ích của nhiều người, lợi ích công cộng. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung các chủ thể này vào dự thảo Luật để bảo đảm quy trình thống nhất trong ban hành QĐHC.
Ngoài các vấn đề nêu trên, các ý kiến còn tập trung phát biểu về việc ủy quyền ban hành QĐHC, khái niệm QĐHC, phân loại QĐHC trình tự, thủ tục ban hành QĐHC, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại trong dự thảo Luật.
Kết luận Phiên họp, đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, tiếp thu ý kiến các đại biểu. Theo đó, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; mở rộng chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC; rà soát lại khái niệm QĐHC cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Việc phân loại QĐHC cần theo tiêu chí chung, không nên phân thành 3 loại QĐHC như trong dự thảo Luật (QĐHC bất lợi cho đối tượng thi hành, QĐHC bất lợi cho bên thứ ba và QĐHC liên quan đến lợi ích cộng đồng). Rà soát lại các trình tự thủ tục ban hành QĐHC theo hướng cải cách các thủ tục hành chính, bảo đảm tính nhanh gọn, hiệu quả và khả thi.
Phương Thảo
;