Bộ Tư pháp họp về dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Thứ Sáu, 18/09/2015, 11:10 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 17-9, đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Tham dự có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Quang cảnh cuộc họp |
Thực hiện Nghị quyết số 972 ngày 13-7-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) xin ý kiến nhân dân có 3 phần, 26 chương, 443 điều, trong đó có 359 điều sửa đổi, 54 điều mới. Việc lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tập trung vào 8 nội dung: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; Phạm vi trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên tội phạm; Việc bãi bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp, quy định không giảm án với người bị kết tội tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; Chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; Hình phạt trục xuất; Thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế;…
Theo dự thảo Báo cáo, tính đến ngày 15-9-2015, qua báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 10 bộ, ngành Trung ương, 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác, có hơn 800.000 lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật. Đối tượng lấy ý kiến trải rộng từ các cơ quan ở Trung ương đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương; từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo.
Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động để lấy ý kiến của các cơ quan nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, chuyên gia, chuyên gia nước ngoài,…
Hà Thanh
;