Văn phòng Quốc hội: Hội nghị "Quy trình tổ chức hội nghị tham vấn"
Thứ Ba, 11/08/2015, 09:33 [GMT+7]
(BNCTW) - Sáng ngày 7-8, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Quỹ Châu Á tổ chức Hội nghị giới thiệu về "Quy trình tổ chức hội nghị tham vấn". Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, các Báo cáo viên đã giới thiệu Báo cáo "Tham vấn công chúng trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật" và Báo cáo "Quy trình tổ chức hội nghị tham vấn". Theo đó, khái niệm "tham vấn công chúng" chưa được chính thức sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam. Trên thực tế, hoạt động tham vấn còn mang tính hình thức, không theo một quy trình phù hợp và thống nhất. Nhiều hoạt động tham vấn không hiệu quả vì không đúng đối tượng, nội dung tham vấn còn chung chung, mang tính kỹ thuật, thời điểm tham vấn không phù hợp. Thông tin về những chính sách, văn bản pháp luật dự định tham vấn không được cung cấp đầy đủ và thích hợp nên hạn chế khả năng tham gia của đối tượng cần tham vấn. Cách thức đăng tải các dự thảo để tham vấn còn nhiều bất cập. Kinh phí và các nguồn lực để phục vụ cho hoạt động tham vấn còn hạn chế…
Toàn cảnh Hội nghị |
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hoạt động tham vấn nêu trên: Động lực tham vấn còn hạn chế; nhận thức về tham vấn còn chưa đầy đủ; khuôn khổ pháp lý không phù hợp; nguồn lực yếu, năng lực thiếu, cách làm thiếu hợp lý… Trên cơ sở đó, Báo cáo đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động tham vấn: (1) Đổi mới nhận thức về tham vấn; giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan thấy rõ việc tổ chức tham vấn công chúng trong quy trình lập pháp là một công việc thường xuyên, đòi hỏi tính chuyên nghiệp, đòi hỏi tập trung mọi nguồn lực để triển khai, tiếp thu và kịp thời phản hồi ý kiến đóng góp. Đối với người dân, thì cần coi việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo VBQPPL phải là quyền và trách nhiệm để bảo đảm chất lượng các văn bản này ngày càng tốt hơn; (2) Tăng cường sự công khai, minh bạch thông tin về chính sách và dự thảo văn bản. Nên tổ chức một trang web riêng để đăng tải toàn bộ các văn bản tham vấn ý kiến nhân dân và các ý kiến góp ý từ giai đoạn hình thành chính sách đến khi văn bản được Quốc hội thông qua; (3) Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tham vấn như: Thiết kế một chương riêng quy định về hoạt động tham vấn trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khái niệm; nguyên tắc; quy trình, thủ tục tham vấn; thời gian tham vấn; đối tượng tham vấn; quyền tham gia của công chúng; trách nhiệm của các cơ quan hữu quan…); (4) Đưa ra quy trình mẫu một hội nghị tham vấn góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động tham vấn tại Việt Nam.
Phương Thảo
;