Ủy ban Tư pháp: Tổ chức góp ý cho dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)

Thứ Sáu, 07/08/2015, 19:30 [GMT+7]

    (BNCTW)-Ngày 5-8, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức cuộc họp góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 40 (tháng 8-2015). Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ… tham dự cuộc họp.
   

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào những nội dung lớn, còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13.

Quang cảnh buổi họp
Quang cảnh buổi họp

    Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, một số ý kiến nhất trí với Dự thảo, theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng vì cho rằng, điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa công lý cho nhân dân; góp phần kịp thời giải quyết các tranh chấp trong nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) vì thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn của nước ta, dễ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.

    Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự: Một số ý kiến tán thành với quan điểm Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng; một số ý kiến khác cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng do vậy, trong tố tụng dân sự Viện kiểm sát nhân dân chỉ là cơ quan tham gia tố tụng. Về sự tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân, có ý kiến cho rằng Viện kiểm sát nhân dân chỉ tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng hoặc đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần. Ý kiến khác đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tham gia ở tất cả các phiên tòa. Về phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa sơ thẩm, có ý kiến cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân chỉ có quyền phát biểu về việc áp dụng pháp luật; không phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Có ý kiến cho rằng Viện kiểm sát nhân dân có quyền phát biểu cả quan điểm giải quyết vụ án. Ý kiến khác cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân không có quyền phát biểu về việc áp dụng pháp luật, vì tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án cũng chưa đưa ra quan điểm về việc áp dụng pháp luật.
   

Về thành phần xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, đa số ý kiến tán thành với việc xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do 01 thẩm phán tiến hành như quy định trong Dự thảo để đảm bảo đúng tính chất của thủ tục rút gọn.

    Về tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, một số ý kiến nhất trí với quy định về việc tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ. Một số ý kiến không tán thành vì sẽ làm kéo dài vụ án, hơn nữa, mọi chứng cứ đều được xem xét công khai tại phiên tòa. Có ý kiến đề nghị chỉ tổ chức phiên họp trong những vụ án nhiều chứng cứ và xét thấy cần thiết. Ý kiến khác đề nghị gộp chung Phiên họp hòa giải giữa các đương sự với Phiên họp này thành một cuộc họp (Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải).

    Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, đa số ý kiến tán thành với quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Phương Thảo

;
.