Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Góp ý vào dự thảo Bộ luật tố tụng hành chính (sửa đổi)
(BNCTW)-Ngày 5-8, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức cuộc họp góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật tố tụng hành chính (sửa đổi), chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 40 (tháng 8-2015). Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.
Quang cảnh buổi họp |
Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Tư pháp đã trình bày Báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn về dự thảo Bộ luật tố tụng hành chính (sửa đổi), theo đó tập trung vào những nội dung sau:
Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, một số ý kiến đề nghị quy định mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo hướng, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định kỷ luật giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống. Một số ý kiến khác cho rằng, quy định như trên sẽ dẫn đến tình trạng Tòa án nhân dân can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính và gây cản trở đến việc quản lý và hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Về phân định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh: Đa số ý kiến không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện vì cho rằng không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp; không đề cao được vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện. Ý kiến khác lại cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết các khiếu kiện này cần thiết phải giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.
Về thành phần xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn: Đa số ý kiến tán thành với việc xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do 01 thẩm phán tiến hành như quy định trong Dự thảo để đảm bảo đúng tính chất của thủ tục rút gọn.
Về việc bổ sung phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, một số ý kiến nhất trí với quy định về việc tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ. Một số ý kiến không tán thành vì sẽ làm kéo dài vụ án, hơn nữa, mọi chứng cứ đều được xem xét công khai tại phiên tòa. Có ý kiến đề nghị chỉ tổ chức phiên họp trong những vụ án nhiều chứng cứ và xét thấy cần thiết. Ý kiến khác đề nghị gộp chung Phiên họp đối thoại giữa các đương sự với Phiên họp này thành một cuộc họp (Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại).
Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, đa số ý kiến tán thành với quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định bị kháng nghị.
Phương Thảo