Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thương vụ Quốc hội: Cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự sửa đổi

Thứ Ba, 18/08/2015, 16:18 [GMT+7]
    Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 40, chiều 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và việc gia nhập Công ước Vienna năm 1980.
 
    Nội dung quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4) của Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến.
 
    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và một số đại biểu khác đề nghị Dự thảo Luật cần phải có quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Đánh giá đây là một quy định mang tính nhân văn, cần phải ủng hộ mạnh mẽ, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thể hiện sự không đồng tình khi Báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) lại thể hiện nội dung này ở phương án thứ 2, trong khi đó phương án không quy định nội dung này lại là phương án 1.
 
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai  phát biểu ý kiến tại phiên họp chiều 17-8 (Ảnh TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến tại phiên họp chiều 17-8 (Ảnh TTXVN)
    Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng, Ban soạn thảo chưa đưa ra những lý lẽ thuyết phục để khẳng định sự cần thiết của quy định này. Cũng cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định sự cần thiết phải quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong Dự thảo Bộ luật. 
 
    Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng đề nghị phương án 2 “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” phải là phương án 1 khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
 
    Vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tư pháp là cơ quan thẩm tra Dự thảo Bộ luật có quan điểm khác. Theo đó, chủ trương mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân như quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
 
    Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở Việt Nam, án lệ không phải là nguồn luật, Tòa án nhân dân xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. 
 
    Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì khi xét xử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy nếu chưa có điều luật để áp dụng thì Tòa án sẽ không có căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự, sẽ không thể phát triển được án lệ để Tòa án áp dụng giải quyết vụ án; việc áp dụng tập quán, nguyên tắc tương tự hoặc theo lẽ công bằng dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong xét xử, gây ra những hậu quả khó lường hết được. 
 
    Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị trước mắt chưa nên quy định nội dung Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
 
    Nêu rõ đây là bộ luật quan trọng với mục đích là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá Dự thảo Bộ luật chưa thể hiện rõ được nguyên tắc tranh tụng. 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận xét khái niệm tranh tụng đã có nhưng nội hàm cụ thể của nguyên tắc này thể hiện như thế nào, thể hiện ở đâu thì chưa rõ. Theo đó, nội dung tranh tụng chỉ được đề cập ở Mục 3 của chương về sơ thẩm, nhưng nội dung tranh tụng, ai hỏi trước, ai hỏi sau.
 
    Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị cần phải rà soát lại để bảo đảm được đúng tinh thần tranh tụng, bảo đảm bình đẳng và hiệu quả để sau này những phán quyết của tòa án phải trên cơ sở tranh tụng.
 
    Dự thảo Bộ luật chưa làm rõ có quy định tranh tụng trong phiên xét xử phúc thẩm hay không?Tại Điều 300 chỉ quy định tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm. Chủ nhiệm Phan Trung Lý đặt câu hỏi, vậy tranh luận và tranh tụng có quan hệ với nhau như thế nào, đã thể hiện được tranh tụng chưa, nội dung này cần có câu trả lời chính thức từ Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
 
    Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định Dự thảo Bộ luật phải quán triệt tinh thần của Hiến pháp mới và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, trong đó xác định tranh tụng là nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề tranh tụng quán triệt trong quá trình, ở các giai đoạn xét xử của Tòa án. 
 
    Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các chế định trong Dự thảo Bộ luật để bảo đảm tinh thần tranh tụng tại phiên tòa.
 
    Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc gia nhập Công ước Vienna năm 1980.
 
    Theo chương trình, sáng 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) và Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Quỳnh Hoa
(TTXVN/Vietnam+)
;
.