Phiên họp thứ 40: Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
(BNCTW) - Tiếp tục Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 13-8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp. Đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, … tham dự.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã trình bày Báo cáo xin ý kiến UBTVQH một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), bao gồm: Địa vị pháp lý, sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong tố tụng hành chính; những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân (TAND); phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh; người đại diện; bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ; thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm và thành phần xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục rút gọn.
Quang cảnh Phieen họp |
Về địa vị pháp lý, sự tham gia của VKSND trong tố tụng hành chính, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp thu theo ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo đó, sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký tòa án; việc chấp hành pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng hành chính… Không đồng tình với quan điểm nêu trên, đại diện VKSND đề nghị quy định nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm bao gồm cả việc tuân theo pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng mà không chỉ là phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng như ý kiến của Ủy ban Tư pháp.
Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, Ủy ban Tư pháp đề nghị mở rộng thẩm quyền của TAND theo hướng giải quyết các khiếu kiện quyết định kỷ luật giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống. Một số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính như luật hiện hành vì cho rằng, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức sẽ dẫn đến tình trạng TAND can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính và gây cản trở đến việc quản lý và hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Về phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh, một số ý kiến đề nghị giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện nhằm hạn chế tác động từ phía UBND cấp huyện đến sự độc lập của thẩm phán. Một số ý kiến không tán thành với quy định mở rộng thẩm quyền của TAND cấp tỉnh nêu trên vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp về việc mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện; không đề cao được vai trò, bản lĩnh cũng như không nêu cao được trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện.
Về người đại diện trong tố tụng hành chính, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng người bị kiện ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc đại diện tham gia tố tụng mang tính hình thức, gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ngoài việc quy định phải ủy quyền cho cấp phó trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cần phải quy định thật chặt chẽ điều kiện được ủy quyền. Trong trường hợp cần thiết, người ra các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện phải có mặt tại Tòa án nếu bị triệu tập. Tuy nhiên, có ý kiến e ngại, quy định này có thể trái với quy định chung về ủy quyền trong Bộ luật dân sự, không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, đa số ý kiến đề nghị gộp chung Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên họp đối thoại làm một để tránh hình thức, gây tốn kém cho đương sự, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, đa số ý kiến tán thành với quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện: Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng, có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức cá nhân khác; trường hợp sửa bản án, quyết định bị kháng nghị gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án cấp giám đốc thẩm phải triệu tập đương sự đến phiên tòa để nghe lời trình bày của họ. Có ý kiến đề nghị, chỉ cần có một trong ba điều kiện nêu trên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định bị kháng nghị.
Về thành phần xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục rút gọn, đa số ý kiến tán thành với quy định việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do 01 Thẩm phán tiến hành mà không cần thiết phải bằng Hội đồng gồm 03 Thẩm phán để bảo đảm đúng tính chất của thủ tục rút gọn, đơn giản hóa về thủ tục.
Phương Thảo