Khai mạc Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Ba, 11/08/2015, 10:14 [GMT+7]
    Ngày 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 40.
 
    Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết phiên họp với nhiều nội dung quan trọng, tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 17 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh. Đây là các luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có nhiều dự luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật trưng cầu ý dân; Luật tín ngưỡng tôn giáo… Với khối lượng công việc lớn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có cách làm khoa học, bảo đảm nội dung, chất lượng công việc, chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 10. 
 
    Tiếp đó, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
 
Quang cảnh phiên khai mạc
Quang cảnh phiên khai mạc
    Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, Thường trực Ủy ban và cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu, giải trình nhiều nội dung liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, các hành vi bị cấm, về báo cáo tài chính nhà nước, về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, về hành nghề dịch vụ kế toán... Có hai nội dung mà cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo còn ý kiến khác nhau. Thứ nhất, để phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế hội nhập, hai bên thống nhất ngoài giá gốc (giá trị ban đầu) thì còn một giá trị của tài sản được đánh giá lại tại một thời điểm. Tuy nhiên, về từ ngữ, khái niệm còn ý kiến khác nhau. Trong khi cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên cụm từ “giá trị hợp lý” thì cơ quan thẩm tra đề nghị thay cụm từ “giá trị hợp lý” bằng cụm từ “giá trị xác định lại”. Thứ hai, về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, cơ quan soạn thảo đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về phần vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp và phần vốn góp của các thành viên là tổ chức trong khi cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, bỏ quy định này.
 
    Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần luật hóa tối đa các quy định mang tính nguyên tắc, bắt buộc trong luật này; hạn chế giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn, quy định, trừ những vấn đề rất cụ thể. Theo Chủ Nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, phương pháp kế toán chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật. Chủ nhiệm cho rằng, phương pháp kế toán phải quy định trong luật, là gốc, là chuẩn. Ngoài ra, cần cân nhắc quy định cụ thể ngay trong Luật về chứng từ điện tử, kiểm toán nội bộ, chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán mà không nên giao Chính phủ, Bộ Tài chính quy định.
 
    Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần phải rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính hợp Hiến và tính thống nhất với các văn bản luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật chúng ta mới ban hành cụ thể hóa Hiến pháp mới như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật kiểm toán… Về việc sử dụng khái niệm  “giá trị hợp lý” hoặc “giá trị xác định lại” hoặc “giá trị thực tế”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp tục thống nhất để có giải trình thuyết phục ra Quốc hội. Vấn đề không phải là từ ngữ, tên gọi mà là bản chất của giá trị tài sản trong trường hợp này để tránh thất thoát, tránh mất mát tiền bạc của ngân sách nhà nước. 
 
    Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật phí và lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra còn ý kiến khác nhau về quy định Danh mục phí, lệ phí. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần quy định ngay trong Luật danh mục chi tiết phí, lệ phí bảo đảm rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng lạm thu gây gánh nặng cho người dân. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo lại cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định Danh mục phí và lệ phí theo nhóm dịch vụ và giao Chính phủ quy định Danh mục chi tiết của từng loại phí, lệ phí là phù hợp với thực tiễn và khả thi.
 
    Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020 và dự án Luật thống kê (sửa đổi).
 Dự kiến, phiên họp kéo dài 9 ngày, từ nay đến 18-8.                                                                                                         Hồng Thương  
 (Văn phòng Quốc hội)
 
;
.