Khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10
Ngày 24-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luật một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng tâm của Hội nghị là tiếp tục thảo luận, hoàn thiện nhiều bộ luật liên quan lĩnh vực tư pháp. Việc thông qua các dự án luật này tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo đó, các đại biểu sẽ thảo luận về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của năm dự án luật: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị đã họp và cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến. Cụ thể, dự thảo bộ luật cho phép Tòa án áp dụng tập quán, pháp luật tương tự, lẽ công bằng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi.
Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự được quy định tại điều 14 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành việc cần có quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để thể chế Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, các đại biểu đề nghị, toà không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự với lý do không có điều luật quy định mà phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý.