Hội thảo góp ý kiến về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)
Thứ Hai, 31/08/2015, 10:47 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 28-8-2015, tại Phú Quốc, Kiên Giang, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) trọng tâm là các tội danh về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo, có khoảng 50 đại biểu gồm đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), đại diện các cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện một số đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội một số địa phương, một số chuyên gia, nhà khoa học.
Quang cảnh Hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý kiến vào vấn đề trọng tâm là các tội danh mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể : Tội gian lận bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp (Điều 218); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 219); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 220).
Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội tại hội thảo, tính đến 31-7-2015 tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là gần 12.000 tỷ đồng (gấp 7 lần so với năm 2007 và gần 1,7 lần so với năm 2014), chiếm 6,37% so với tổng số phải thu, trong đó nợ bảo hiểm xã hội là hơn 8000 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 533 tỷ đồng và nợ bảo hiểm y tế là 2898 tỷ đồng. Hiện cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ quản lý được khoảng 150.000 / 300.000 doanh nghiệp đăng kỳ tham gia đóng bảo hiểm xã hội, nghĩa là có đến 50% doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến việc vi phạm ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng; các cơ quan Bảo hiểm xã hội phát hiện vi phạm mới chỉ dừng lại ở đề nghị, kiến nghị xử lý, không có thẩm quyền xử phạt nên hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, Luật bảo hiểm xã hội và Luật bảo hiểm y tế đã quy định các hành vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như hành vi trốn đóng bảo hiểm, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đến nay việc truy cứu trách nhiệm hình sự những loại hành vi này chưa được quy định trong Bộ luật hình sự.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất cao sự cần thiết phải bổ sung các tội danh trên trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm các tội danh như: (1) Tội trốn đóng bảo hiểm tai nạn lao động; (2) Tội lạm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động; (3) Tội chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội và đưa các lập luận, dẫn chứng về sự cần thiết phải hình sự hóa các nhóm hành vi này.
Các đại biểu tập trung thảo luận chỉnh sửa kỹ thuật lập pháp điều luật, sự thống nhất giữa điều luật này với các điều luật khác trong Bộ luật hình sự và nội dung cụ thể từng điều luật. Nhìn chung, các ý kiến pháp biểu tập chung vào các nội dung sau: gộp các hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với gian lận bảo hiểm y tế thành một tội danh hoặc tách hành vi gian lận bảo hiểm thất nghiệp thành một Điều khoản riêng như tội danh gian lận về bảo hiểm y tế vì mức độ, hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp là không giống nhau; có ý kiến đề nghị xem lại các căn cứ định lượng số tiền chiềm đoạt trong các tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 20 triệu trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trên thực tế thiếu tính răn đe, phòng ngừa, hơn nữa các hành vi của tội này giống tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà tội lừa đảo quy định mức chiếm đoạt chỉ 2 triệu đồng đã bị xem xét xử lý hình sự; …
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ghi nhận các ý kiến phát biểu của đại biểu rất nghiêm túc, hiệu quả, nhiều ý kiến hay góp phần bổ sung, hoàn thiện dự thảo Bộ luật về các nhóm tội danh này và giao Ban Pháp chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, xây dựng bảo cáo kết quả gửi Cơ quan chủ trì soàn thảo, cơ quan thẩm tran để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) trong thời gian tới.
Văn Trường
;