Tọa đàm về quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp với Hiến pháp

Thứ Hai, 06/07/2015, 14:30 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 06-7, tại Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì Tọa đàm Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm “Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu và tham vấn: Quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp với Hiến pháp”.

Tọa đàm thuộc khuôn khổ hoạt động hợp tác với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) năm 2015, nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ và đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Báo cáo nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015), dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015), Quốc hội Khóa XIII.

Toàn cảnh Tọa đàm
Toàn cảnh Tọa đàm

Theo dự thảo Báo cáo, các quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân hiện đang nằm tản mạn trong nhiều văn bản khác nhau, còn chồng chéo trùng lắp, không thuận lợi cho việc áp dụng, thực hiện pháp luật. Một số quy định về trình tự, thủ tục giám sát còn chưa rõ ràng, cụ thể và chưa bảo đảm tính thống nhất. Quy định phạm vi giám sát, hình thức giám sát quá rộng với nhiều chủ thể, chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể với từng đối tượng chịu sự giám sát cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát, dẫn tới sự chồng chéo trong thực hiện. Một số quy định tính khả thi thấp, như quy định về việc HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Một số hoạt động giám sát được thực hiện trên thực tế nhưng chưa được ghi nhận trong luật.

Về thực tiễn, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập: Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND còn lúng túng, trình độ, năng lực của không ít đại biểu còn hạn chế, chưa nắm chắc pháp luật, cách thức tiến hành giám sát. Một số đối tượng chịu sự giám sát chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc chuẩn bị báo cáo, cung cấp thông tin và chuẩn bị các điều kiện khác phục vụ hoạt động giám sát. Một bộ phận đại biểu kiêm nhiệm chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát của Ban. Hoạt động chất vấn có nơi, có lúc còn chưa thực chất, nội dung chất vấn còn dàn trải, trả lời chất vấn còn chung chung, thiếu giải pháp và trách nhiệm cụ thể. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong hoạt động chất vấn còn…

Theo Báo cáo, nguyên nhân của tình trạng trên là: đại đa số các đại biểu HĐND đều hoạt động kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian dành cho công tác đại biểu; bộ máy giúp việc của HĐND còn rất hạn chế về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu tham mưu, giúp việc về chuyên môn cho HĐND. Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát của HĐND chưa sâu rộng, toàn diện…

Để khắc phục, Báo cáo đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị: Về chủ thể giám sát của HĐND, ngoài HĐND thực hiện giám sát tại Kỳ họp thì đề cao vai trò chủ thể giám sát là Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm về hoạt động giám sát của mình.

Về phạm vi giám sát, cần giao cho các Ban của HĐND thực hiện hoạt động giám sát độc lập. Đối với Thường trực HĐND nên được mở rộng hơn so với quy định hiện hành (giám sát việc ban hành văn bản pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; giám sát hoạt động của Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND…). Ngoài ra, Báo cáo cũng đưa ra các đề xuất về hình thức giám sát, trình tự, thủ tục tiến hành giám sát…

Phương Thảo

;
.