Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

Thứ Ba, 31/03/2015, 15:06 [GMT+7]
    (BNCTW) - Trong 02 ngày 30 và 31-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp thẩm tra dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chủ trì phiên họp.
 
    Tờ trình về dự án Bộ luật nêu rõ: Qua tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thi hành đã khẳng định vai trò quan trọng của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chủ yếu về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tố tụng còn thiếu và có những nội dung chưa phù hợp; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là những người trực tiếp giải quyết vụ án nhưng chỉ được giao những thẩm quyền hạn chế; còn thiếu một số quyền quan trọng bảo đảm cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội… Trong các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013 đặt ra nhiều yêu cầu quan trọng, bổ sung các nguyên tắc tư pháp tiến bộ nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp. Những yêu cầu này đòi hỏi phải được cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), là một trong những yêu cầu khách quan và cần thiết để sửa đổi bộ luật.
 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Dự thảo giữ nguyên 27 điều của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ 19 điều, bổ sung mới 166 điều và sửa đổi 290 điều nên có nhiều vấn đề mới; một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; căn cứ và thời hạn tạm giam; bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can; việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa; trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa; nguyên tắc bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử; giới hạn xét xử; thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm; biện pháp điều tra đặc biệt.
 
    Tại Phiên họp, các đại biểu đã nêu lên các vấn đề khác như: các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; phân định thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp; tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; chế định chứng cứ; các biện pháp cưỡng chế tố tụng; bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; tranh tụng trong xét xử; thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; quy định không truy tố bị can; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên...
Hà Thanh
;
.