Tọa đàm về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thứ Năm, 05/03/2015, 15:07 [GMT+7]
    (BNCTW) -  Ngày 04-3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức cuộc Tọa đàm để tham vấn, trao đổi ý kiến với các chuyên gia trong nước và nước ngoài về một số nội dung của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP). PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì Tọa đàm. 
 
    Dự Tọa đàm có đại diện của Ban Nội chính Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Viện nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
 
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm
    Các vấn đề đại biểu tập trung thảo luận gồm: cách thể hiện sự khác biệt về mô hình tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ đối với các địa giới hành chính nông thôn, đô thị, hải đảo trong dự thảo Luật; cách thức quy định CQĐP có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn đảm bảo được quyền kiểm soát của chính quyền trung ương với CQĐP, đảm bảo nền hành chính quốc gia thống nhất, thông suốt; kỹ thuật văn bản để xây dựng dự thảo Luật đáp ứng được các yêu cầu trên.
 
    Tại Tọa đàm, các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày ý nghĩa của việc xây dựng các quy định về CQĐP trong Hiến pháp của Nhật Bản; mô hình tổ chức CQĐP, việc phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với địa phương và một số lưu ý về kỹ thuật lập pháp trong xây dựng dự thảo Luật.
    
    Theo đó, ở Nhật Bản hiện nay, CQĐP chỉ gồm 02 cấp (đô - đạo - phủ - tỉnh và chính quyền cơ sở (thành phố, thị trấn, xã). Nhưng dù ở chính quyền đô thị hay nông thôn, thì về mặt tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp chính quyền là như nhau. Chỉ riêng có thủ đô Tokyo là có cấp quận (gồm 23 quận - thay thế cho các đơn vị là thành phố trước khi sát nhập phủ Tokyo và thành phố Tokyo thành thủ đô Tokyo) và các thành phố ngoại ô. 
 
    CQĐP của Nhật Bản được quyền thu thuế (gồm thuế của người dân, thuế từ tài sản cố định và thuế pháp nhân). Do đó, có sự khác biệt lớn về nguồn tài chính giữa các địa phương. Đối với các đô thị, thành phố lớn, do tập trung nhiều doanh nghiệp, tài sản cố định lớn, thu nhập của người dân cao hơn nên nguồn thu từ thuế địa phương sẽ cao hơn so với khu vực nông thôn. Nhật Bản đã khắc phục sự chênh lệch này bằng cách tái phân bổ nguồn lực tài chính từ các đô thị đến nông thôn, đồng thời, lấy một phần nguồn thu từ thuế quốc gia phân bổ cho các CQĐP. Có khoảng 50/1950 địa phương không nhận tiền thuế phân bổ này (chủ yếu là các địa phương giàu). Điều này thể hiện rõ chính sách của Nhật Bản là giải quyết sự khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị; bảo đảm cho người dân, dù ở nông thôn hay đô thị đều được hưởng các dịch vụ công do chính quyền cung cấp một cách bình đẳng.
Phương Thảo
;
.