Hội thảo "Xây dựng số chuyên đề đặc biệt của Tạp chí Dân chủ, pháp luật về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật"
Thứ Ba, 31/03/2015, 09:57 [GMT+7]
(BNCTW) - Bộ Tư pháp vừa phối hợp với Dự án phát triển lập pháp quốc gia (NLD) tổ chức Hội thảo “Xây dựng số chuyên đề đặc biệt của Tạp chí Dân chủ, pháp luật về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các đồng chí: Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; Nguyễn Hữu Huân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ, pháp luật và ông Isabeau Vilandre, Giám đốc Văn phòng Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Đại biểu dự Hội thảo đã trình bày các tham luận: Tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; Thực tiễn hoạt động tham vấn trong xây dựng pháp luật tại Việt Nam và hướng hoàn thiện quy trình tham vấn trong dự thảo Luật; Vấn đề ủy quyền lập pháp tại Việt Nam và phương hướng hoàn thiện chế định này trong dự thảo Luật; Tổ chức thi hành pháp luật từ yêu cầu của thực tiễn đến việc hoàn thiện quy định về tổ chức thi hành pháp luật trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Quy trình chính sách, đánh giá tác động của chính sách và VBQPPL trong dự thảo Luật; Giới thiệu về quy trình chính sách của Bang Ontario, Canada…
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp đã trình bày những thông điệp chính của dự thảo Luật ban hành VBQPPL và việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trong đó nhấn mạnh 05 định hướng của việc xây dựng Luật, bao gồm: Đổi mới cơ bản và toàn diện quy trình xây dựng VBQPPL; thu gọn các hình thức VBQPPL; mở rộng, phát huy dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động xây dựng VBQPPL; có cơ chế, chính sách để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp và xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Quang cảnh Hội thảo |
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật nên lấy lại tên gọi “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” thay vì tên gọi “Luật ban hành văn bản pháp luật” như hiện nay. Vì việc sửa đổi tên gọi sẽ gây tốn kém không nhỏ cho ngân sách nhà nước và không phù hợp với xu hướng hạn chế thẩm quyền và hình thức ban hành văn bản pháp luật như hiện nay; đồng thời sẽ dẫn đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, khiến hệ thống pháp luật quốc gia trở nên đồ sộ, cồng kềnh với nhiều tầng nấc hiệu lực và khiến cho việc thi hành trên thực tế khó khăn hơn.
Về vấn đề hoạch định chính sách trong quy trình lập pháp, có ý kiến cho rằng, chính sách hiện nay hầu như không được xác định ngay từ giai đoạn đề xuất xây dựng luật, chính sách chỉ được hoạch định sau khi công đoạn soạn thảo luật được tiến hành và sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng luật còn hạn chế, trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo chưa cao; do vậy, đề nghị chính sách cần phải được xác định ngay từ giai đoạn đề xuất xây dựng luật; việc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động (RIA) cần phải được tiến hành trước khi xây dựng luật, khách quan, đưa ra nhiều phương án khác nhau và phải phân tích đầy đủ tác động tích cực, tiêu cực của các phương án.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần xác định các tiêu chí phân biệt giữa văn bản lập pháp và văn bản lập quy để tạo cơ sở cho việc lựa chọn hình thức văn bản thích hợp đối với mỗi một loại vấn đề cụ thể, làm sáng tỏ thẩm quyền lập pháp, lập quy; giới hạn phạm vi và đối tượng được ủy quyền lập pháp và phải có quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết…
Nguyễn Phương Thảo
;