Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
Thứ Ba, 10/03/2015, 10:24 [GMT+7]
(BNCTW) - Trong hai ngày 09, 10-3, tại Quảng Ninh, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương”.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy Quảng Ninh,Văn phòng HĐND, UBND một số tỉnh, thành, các cơ sở đào tạo, các chuyên gia đến từ CHLB Đức.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà xây dựng chính sách, pháp luật tiếp tục trao đổi, chia sẻ và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phục vụ cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII (tháng 5-2015).
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trình bày các tham luận: Một vài suy nghĩ về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp mới; Nghiên cứu, đánh giá, so sánh các phương án đề xuất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Kinh nghiệm tổ chức cơ quan tự quản địa phương (xã, liên xã) và mối quan hệ giữa cơ quan tự quản địa phương với chính quyền trung ương ở CHLB Đức; Chính quyền địa phương và việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 2013; Giải pháp giảm thiểu trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các cấp chính quyền địa phương từ góc độ phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương…
Theo tham luận trình bày tại Hội thảo, một trong những bất cập lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay là chưa có sự phân biệt một cách cơ bản sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Các quy định pháp lý hiện hành còn quy định mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của HĐND, UBND áp dụng chung cho tất cả các chính quyền địa phương trong cả nước. Hệ quả là có địa phương không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình; có địa phương thì lại không đủ điều kiện để thực hiện chuẩn chung. Do vậy, ý kiến này đề nghị nội dung và hình thức tổ chức thực hiện quản lý nhà nước ở đô thị cần có đặc trưng khác với nông thôn: đô thị đòi hỏi quản lý theo ngành là chủ yếu, nông thôn quản lý theo lãnh thổ là chủ yếu. Điều này đòi hỏi thiết kế tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải tạo ra những thiết chế, cơ cấu có khả năng ban hành các quyết định không làm phá vỡ sự thống nhất quy hoạch hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ cũng như nhiều hoạt động đặc thù của dân cư đô thị.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, HĐND còn hoạt động hình thức, kém hiệu quả là do quy định HĐND quyết định chỉ mang tính hình thức, không đủ cơ chế để HĐND có thể xem xét thấu đáo các cơ chế, chính sách trước khi quyết định. Chưa có văn bản riêng quy định về hoạt động giám sát của HĐND, nhất là thiếu các chế tài để xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các kiến nghị của các đoàn giám sát của HĐND, dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát không cao. Chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu ra. Nhận thức của các cấp ủy đảng ở một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của HĐND, do đó dẫn đến bố trí cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu của công việc. Đại biểu HĐND hầu hết đều hoạt động kiêm nhiệm, nên không đầu tư thời gian thỏa đáng cho công tác dân cử, dẫn đến hoạt động không đồng đều.
Có ý kiến đề nghị không tổ chức HĐND cấp phường để thể hiện rõ sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đô thị với đơn vị hành chính nông thôn theo yêu cầu của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, cần sắp xếp lại không để quy mô quận quá lớn như hiện nay. Quận sẽ không quản lý toàn diện mà chỉ thực hiện tổ chức quản lý về giáo dục, hạ tầng đô thị và y tế trên cơ sở chính quyền thành phố giao việc và khoán kinh phí hàng năm.
Có ý kiến đề nghị không tổ chức HĐND quận vì cho rằng quận là cấp chính quyền trung gian, không tổ chức HĐND quận sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn đô thị. Theo ý kiến này, có thể nghiên cứu thành lập UBND quận khi không tổ chức HĐND quận theo 2 phương án: Phương án 1- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND quận do Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức như đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận; và Phương án 2 – Chủ tịch UBND quận do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm; Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND quận do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch UBND quận.
Cũng có ý kiến đề nghị không tổ chức HĐND cấp phường và UBND cấp phường. Tại cấp này chỉ nên thiết lập một cơ cấu hành chính thuần túy nhận nhiệm vụ tản quyền từ chính quyền cấp quận.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ HĐND phường sẽ làm cho chính quyền xa dân hơn, không bảo đảm nguyên tắc ở đâu có quyền lực, ở đó quyền lực phải được giám sát, hơn nữa, bỏ HĐND phường là bỏ đi một thiết chế đại diện quyền làm chủ của nhân dân, bỏ đi một kênh giám sát quyền lực của nhân dân; do vậy, đề nghị vẫn tổ chức HĐND phường, nhưng cần rà soát lại để quy định nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ chế để thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền đó phù hợp và khả thi hơn.
Phương Thảo
;