Ban soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin họp lần thứ nhất

Thứ Hai, 02/03/2015, 10:29 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngày 27-2, tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin tổ chức cuộc họp lần thứ nhất. Đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật chủ trì cuộc họp.
 
    Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp đã giới thiệu thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập và dự thảo Kế hoạch xây dựng Luật Tiếp cận thông tin; giới thiệu sơ bộ Hồ sơ dự án Luật; trình bày Báo cáo đánh giá thực trạng pháp luật về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và Báo cáo kết quả điều tra nhu cầu tiếp cận thông tin và điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức và Những nội dung cơ bản, còn nhiều ý kiến của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin.
 
Các Đại biểu dự cuộc họp
Các Đại biểu dự Hội nghị
    Theo Tờ trình dự án Luật, quyền tiếp cận thông tin là quyền con người, quyền cơ bản của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong nhiều Công ước quốc tế. Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân và "chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…" (Khoản 2 Điều 14). Mặc dù hệ thống pháp luật nước ta đã có nhiều văn bản quy định trực tiếp hoặc gián tiếp quyền tiếp cận thông tin trong một số lĩnh vực (đất đai, xây dựng, ngân sách nhà nước, báo chí, xuất bản, phòng, chống tham nhũng…). Tuy nhiên, vì nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật; thiếu các tiêu chí để xác định thông tin được tiếp cận và thông tin không được hoặc bị hạn chế tiếp cận; thiếu các quy định về cơ chế bảo vệ và cơ chế bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin… do vậy, cần thiết phải ban hành Luật Tiếp cận thông tin.
 
    Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, đa số ý kiến đề nghị quy định tất cả các cơ quan nhà nước vì các cơ quan này vì trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan nhà nước đều tạo ra và nhận được nhiều thông tin liên quan đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích của công dân, tổ chức. Một số ý kiến đề nghị chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin chỉ gồm cơ quan hành chính nhà nước vì các cơ quan này tạo ra và nắm giữ nhiều thông tin nhất và các thông tin này liên quan trực tiếp nhất đến người dân.
 
    Về chủ thể được quyền tiếp cận thông tin, một số ý kiến đề nghị quy định theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 là công dân được quyền tiếp cận thông tin; một số ý kiến khác đề nghị, ngoài công dân, cần quy định tổ chức, người nước ngoài cũng được quyền tiếp cận thông tin.
 
    Về phạm vi thông tin được cung cấp, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần xác định rõ phạm vi các loại thông tin được tiếp cận, phạm vi thông tin bị hạn chế tiếp cận và phạm vi thông tin không được tiếp cận. Một số ý kiến khác cho rằng, các thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh, thông tin liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành cụ thể… không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
 
    Về thông tin được tiếp cận, đa số ý kiến tán thành quy định thông tin được tiếp cận là thông tin mà cơ quan cung cấp thông tin tạo ra và ghi nhận để bảo đảm tính chính xác của thông tin chính thức từ chính cơ quan tạo ra, đồng thời giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin. Có ý kiến đề nghị thông tin được tiếp cận bao gồm thông tin do cơ quan tạo ra và thông tin cơ quan nhận được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; quy định như vậy để tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
 
    Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII, dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5-2016), Quốc hội khóa XIII.
Phương Thảo
;
.