Tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công

Thứ Năm, 26/02/2015, 16:15 [GMT+7]
    Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, theo đó yêu cầu chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
 
    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước và các cơ quan tổ chức có liên quan tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay.
 
 
Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ
Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ
    
    Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
 
    Đồng thời khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn (các khoản vay mới cho đầu tư phát triển, kể cả vay cho mục tiêu cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 05 năm trở lên) để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.  
 
    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu hồi nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.
 
    Tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các tiêu chí nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép (nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ dưới 25%)…
Chu Linh
(TTXVN)
;
.