10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2015

Thứ Năm, 26/02/2015, 16:25 [GMT+7]
    Năm 2014, công tác tư pháp được triển khai đầy đủ, các nhiệm vụ trọng tâm đều đạt được những kết quả tích cực. Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, ngành Tư pháp xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
    Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp và tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tham gia tích cực vào việc đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tích cực tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
 
 
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015
   
    Tập trung hoàn thiện các dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật ban hành văn bản pháp luật; xây dựng các dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật ban hành quyết định hành chính, Luật tiếp cận thông tin, Luật đấu giá tài sản, Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua.
 
    Hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật tương trợ tư pháp, Luật nuôi con nuôi, Luật giám định tư pháp, Luật hôn nhân và gia đình, đảm bảo thực thi có hiệu quả các Luật này trong thực tiễn.
 
    Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; kịp thời rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng rút ngắn thời hạn, đơn giản thủ tục lập hồ sơ; tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan đến các biện pháp xử lý hành chính. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, kinh doanh trái phép.
 
    Chuẩn bị tốt các điều kiện để thi hành kịp thời, hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác thi hành án dân sự, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu do Quốc hội giao. Tập trung kiểm tra công tác phân loại án, khắc phục những tồn tại về việc thống kê thi hành án dân sự; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tham nhũng; chủ động xử lý kịp thời, đúng luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ cũng như trong hoạt động quản lý, điều hành tại các cơ quan thi hành án dân sự. Đẩy mạnh việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm thực hiện thí điểm thành công; chủ động đề xuất, ban hành các quy định hướng dẫn bảo đảm không để gián đoạn hoạt động Thừa phát lại khi kết thúc thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội; nghiên cứu đề xuất việc xây dựng Luật Thừa phát lại.
 
    Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Hộ tịch, khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Triển khai thực thiện tốt: Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.
 
    Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật công chứng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó cần tập trung thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động các Phòng công chứng, Văn phòng công chứng theo quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ hai.
 
    Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng ngân hàng, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nông nghiệp nông thôn, giao thông vận tải, công chức công vụ. Triển khai thực hiện tốt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đề án liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất và thuế.
 
    Nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của Bộ Tư pháp liên quan tới việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; thực hiện mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia bằng các biện pháp phù hợp và tuân thủ pháp luật quốc tế. 
 
    Các đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực tốt Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV và kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành Tư pháp bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
Chu Linh
(TTXVN)
;
.