Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11

Thứ Ba, 02/12/2014, 10:52 [GMT+7]
Ngày 1-12-2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2014.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014; tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và các nội dung quan trọng khác.
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
 
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2014
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2014
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng được phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước và dự báo cả năm 2014 sẽ đạt và nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra (5,8%). Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2014 giảm (-) 0,27% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng, CPI tăng 4,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 5,6%), trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 7,1%).
Vốn cho đầu tư phát triển tăng (trong đó, vốn FDI thực hiện 11 tháng tăng 6,2%; giải ngân ODA và vay ưu đãi tăng khoảng 7%). Tăng trưởng tín dụng tiếp tục cải thiện, đến 27-11 tăng 10,22%. Mặt bằng lãi suất giảm nhẹ 0,1-0,5%.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế nước ta, nổi bật là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh từ 105 USD/thùng (cuối tháng 7-2014) xuống 68,53 USD/thùng (28-11-2014) - mức thấp nhất trong vòng 4 - 5 năm qua. Bên cạnh tác động trực tiếp của giá xăng dầu thế giới đối với một số lĩnh vực (thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu…), nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức như tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tuy đạt nhiều kết quả tích cực so với năm trước nhưng vẫn chậm so với mục tiêu đề ra; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, ngập lụt còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình hình cháy nổ, tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận, phân tích, đánh giá về diễn biến của CPI. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, không có biểu hiện của giảm phát; CPI tháng 11/2014 giảm chủ yếu do tác động điều chỉnh giảm mạnh giá xăng, dầu, giá gas trong nước theo giá thế giới. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được cải thiện, 11 tháng, ước tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 6,5% (cùng kỳ tăng 5,5%), trong khi các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng là 4,1%, 6,3% và 5,5%. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng 11 tháng năm 2014 ở mức cao hơn những năm trước.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực.
Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cho năm 2014 và tập trung chuẩn bị triển khai sớm các nhiệm vụ, giải pháp năm 2015.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư... để vừa ổn định vĩ mô vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Không chủ quan và tiếp tục kiểm soát lạm phát.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ.
Trước xu hướng giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án, tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu.
Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn; chú ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình cơ chế mới để nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC. Tiếp tục xử lý các ngân hàng yếu kém.
Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng. Chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả trong dịp Tết và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt cho từng bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trên phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát trong thực thi công vụ, thực thi pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm. Các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, trong năm 2015, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính. Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án liên quan đến thực trạng bổ nhiệm hàm chức danh quản lý, lãnh đạo tại các Bộ, ngành hiện nay.
Các Bộ, ngành đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng; khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản.
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, đưa người đi lao động ở nước ngoài, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng...
Chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về Tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Nguyên đán và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 với cán bộ, công chức, viên chức. Các ý kiến nhất trí với phương án do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, lựa chọn. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ 09 ngày đối với Tết Nguyên đán 2015 (từ ngày 15-2 đến hết ngày 23-2-2015); nghỉ 04 ngày đối với Tết Dương lịch 2015 (từ ngày 1-1 đến 4-1-2015); nghỉ 06 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5 (từ 28-4 đến 3-5).
Cũng tại Phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Công chứng và một số nội dung quan trọng khác.
(Theo TTXVN)
;
.