Hội Luật gia Việt Nam: Góp ý dự án Luật Trưng cầu ý dân
(BNCTW) - Ngày 4-12, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ban soạn thảo dự án Luật Trưng cầu ý dân để cho ý kiến về dự thảo 01 của dự án Luật này. Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chủ trì Phiên họp.
Trưng cầu ý dân là một phương thức tổ chức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chế định pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân. Trong khi đó, Điều 29 Hiến pháp 2013 quy định: "Nhân dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân". Do vậy, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết để kịp thời cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp 2013, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, trực tiếp hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại cuộc họp, đại diện Ban soạn thảo đã trình bày Bản thuyết minh chi tiết dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Theo đó, dự thảo Luật gồm 9 Chương, 58 Điều, quy định về những vấn đề chung trong trưng cầu ý dân, về kiến nghị trưng cầu ý dân, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân…
Về những vấn đề trưng cầu ý dân, có ý kiến cho rằng chỉ nên quy định về mặt nguyên tắc, khái quát nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng cần phải quy định rõ những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng cần quy định cả những vấn đề, những trường hợp không đưa ra trưng cầu ý dân.
Về phạm vi trưng cầu ý dân, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước; Phương án 2: Trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước và địa phương. Quốc hội quyết định phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân.
Về kiến nghị trưng cầu ý dân, dự thảo Luật cũng đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Chủ thể có quyền kiến nghị gồm Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội; Phương án 2: Ngoài 4 chủ thể trên, bổ sung Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân.
Phương Thảo