Thận trọng, kiểm chứng thông tin để có kết quả lấy phiếu tín nhiệm khách quan, chính xác và công tâm
Thứ Sáu, 14/11/2014, 15:11 [GMT+7]
Sáng 14-11, với 462 đại biểu (chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Như vậy, cùng với Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách với các chỉ tiêu mọi mặt của nền kinh tế, Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 được thông qua tiếp tục ấn định hình các chỉ tiêu tổng thể liên quan đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước cả năm 2015.
Quốc hội biểu quyết danh sách những người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm |
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo với Quốc hội một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, lấy phiếu tín nhiệm là việc làm rất hệ trọng. Các đại biểu Quốc hội sẽ thay mặt đồng bào, cử tri cả nước đánh giá tín nhiệm đối với những chức danh mà Quốc hội bầu, phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, theo chủ trương của Đảng việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ được tiến hành tại Kỳ họp Quốc hội lần này mà sẽ được tiến hành ở các ngành, các cấp từ trung ương tới địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này đều là những người được Quốc hội tin tưởng, giao nhiệm vụ thực thi Hiến pháp, xây dựng pháp luật, điều hành, quản lý phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, việc tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ trong Nghị quyết 35 của Quốc hội và cũng nhằm đáp ứng niềm tin lớn lao của đồng bào, cử tri cả nước đòi hỏi từng vị đại biểu Quốc hội phải khách quan, thận trọng, công tâm để có được lá phiếu chính xác.
Cho rằng, lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 2 này được tiến hành với nhiều thuận lợi trên cơ sở rút kinh nghiệm từ lần lấy phiếu trước đây và kết quả công tác của các chức danh sau 3 năm của nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tại các Kỳ họp gần đây và Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận kỹ lưỡng về tình hình đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đánh giá, nhìn nhận tổng thể cả về công tác lập pháp, xây dựng pháp luật lẫn điều hành, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Do đó, các đại biểu Quốc hội có được căn cứ vững chắc để đánh giá tín nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thời gian qua, trong công tác lập pháp, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp và tích cực thực hiện công tác triển khai thi hành Hiến pháp thông qua việc xây dựng, sửa đổi ban hành pháp luật trên mọi lĩnh vực. Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đà phát triển mới để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2015 và cả nhiệm kỳ. Hệ thống các cơ quan tư pháp từ cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cũng đã có những biến chuyển rõ nét với tinh thần thi hành nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, mục đích của lấy phiếu tín nhiệm nhằm thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ, tạo động lực phấn đấu, nỗ lực công tác trong toàn Đảng, toàn dân. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều đáng mừng là sau lần lấy phiếu đầu tiên, các chức danh được Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm đều đã nhận thức rõ ưu, khuyết điểm của mình để từ đó phấn đấu, nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác; quyết tâm thực thi trách nhiệm một cách tốt hơn. Tuy nhiên, đặc thù một số ngành, lĩnh vực, ngoài người đứng đầu còn đòi hỏi nhiều yếu tố khách quan và thời gian mới có thể có những chuyển biến như mong đợi.
Đề cập đến những căn cứ để thực hiện đánh giá tín nhiệm lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, các báo cáo đã được những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị kỹ. Để đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành khách quan, công tâm, chính xác, các đại biểu Quốc hội cần căn cứ dựa trên những thông tin chính thức, kiểm chứng được. Đối với những thông tin không chính thống, chưa được sàng lọc, kiểm nghiệm, hoặc chưa đủ căn cứ, các vị đại biểu Quốc hội cần cảnh giác, loại bỏ, chắt lọc và tiếp tục xác minh để có kết luận chính thức. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được một đề nghị nào của các đại biểu Quốc hội yêu cầu báo cáo giải trình về thông tin liên quan đến các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng Quốc hội sẽ thực hiện thắng lợi trọng trách của mình để đánh giá tín nhiệm công tâm, chính xác, xứng đáng với mong đợi của cử tri cả nước
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình Danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Với sự tán thành của 100% số đại biểu Quốc hội có mặt tại buổi làm việc, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Danh sách này.
Theo đó, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này gồm: Chủ tịch Nước; Phó Chủ tịch Nước; Chủ tịch Quốc hội; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Trưởng Ban Dân nguyện; Trưởng Ban Công tác đại biểu; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị các Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thông báo để các đại biểu Quốc hội để có mặt đầy đủ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào sáng 1511.
(Theo TTXVN)
;