Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015

Thứ Ba, 11/11/2014, 09:51 [GMT+7]
Chiều 10-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
* Phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014
Với 89,54% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.
Theo đó mục tiêu tổng quát là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Nghị quyết xác định các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 82%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Giao Chính phủ rà soát, tính toán và xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường theo Kế hoạch 5 năm và hàng năm có tính khoa học, định lượng và phù hợp, báo cáo Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 và đưa vào áp dụng từ Kế hoạch năm 2016.
Quốc hội cơ bản tán thành với những nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong báo cáo thẩm tra và các báo cáo giám sát chuyên đề, đồng thời Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế. Tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã duyệt. Rà soát, bổ sung các chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam và tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, biên chế gắn với yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng... Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ, tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%... Tiếp tục bảo đảm chính sách an sinh xã hội; b ảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu theo quy định của Bộ Luật lao động đối với khu vực sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm quá tải bệnh viện tuyến trung ương và tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Ưu tiên kinh phí cho các dự án cấp bách, ổn định dân cư và tạo sinh kế thuận lợi hơn cho người dân...
*Biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015
Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 đã được thông qua với 88,13% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Nghị quyết nêu rõ: Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2015: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 911.100 tỷ đồng (chín trăm mười một nghìn, một trăm tỷ đồng); nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 921.100 tỷ đồng (chín trăm hai mươi mốt nghìn, một trăm tỷ đồng); Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng (một triệu, một trăm bốn mươi bảy nghìn, một trăm tỷ đồng); Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ đồng (hai trăm hai mươi sáu nghìn tỷ đồng), tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Nghị quyết nêu rõ giao Chính phủ: Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách. Hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định. Đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; giảm nợ đọng thuế. Không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế. Tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2015 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2015; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Không cho phép ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện triệt đểt iết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật); giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài. Tổ chức đại hội Đảng các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 01/01/2015. Phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán các khoản nợ của ngân sách nhà nước, thu hồi các khoản tạm ứng. Không bố trí vốn đối với các dự án mới chưa cấp bách. Trong trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát mục tiêu của 16 chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung bố trí vốn ngân sách cho các mục tiêu quan trọng, cấp bách, hoàn thành dứt điểm trong năm 2015. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai giai đoạn 2011-2015; tiến hành rà soát tổng thể để cắt giảm, lồng ghép, thu gọn các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2016-2020; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; trong điều hành ngân sách nhà nước có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2014 chủ yếu để ưu tiên trả nợ của các cấp ngân sách, thực hiện một số khoản chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Tính đúng, tính đủ nợ công, không để vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội (65%GDP), quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt là các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản vay về cho vay lại. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ quỹ tích lũy trả nợ. Tiếp tục các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay. Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước , giảm mức vay đảo nợ...
* Thảo luận dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi)
Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) .
Về áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành (Điều 3), đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng: dự thảo Luật doanh nghiệp vẫn quy định: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan đối với doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”. Trong khi Luật đầu tư quy định: trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của luật này trừ các Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật dầu khí. Theo đại biểu quy định như vậy ở cả hai trường hợp là chưa hợp lý. Đại biểu phân tích trường hợp Luật đầu tư phải được đặt trên một bình diện nhằm khẳng định mọi việc liên quan đến hoạt động tổ chức quản trị doanh nghiệp cần được ưu tiên áp dụng Luật doanh nghiệp. Trường hợp ngoại lệ được chấp nhận áp dụng trong khuôn khổ pháp luật các chuyên ngành như chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí, chỉ cần ngoại lệ ở mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp…
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị sửa đổi nội dung Điều 3 của dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng, ưu tiên áp dụng luật doanh nghiệp so với luật chuyên ngành trừ những trường hợp ngoại lệ và chỉ được áp dụng đối với những luật chứng khoán, tổ chức tín dụng, kinh doanh bảo hiểm và dầu khí chứ không phải tất cả các luật chuyên ngành khác….
Vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội có quan điểm Luật doanh nghiệp quy định những nguyên tắc pháp lý về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, được áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, một số luật chuyên ngành cần có những quy định riêng áp dụng cụ thể cho lĩnh vực đặc thù đó.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nhận xét luật hiện hành còn chồng chéo với các luật chuyên ngành trong việc cấp giấy đăng ký và giấy phép thành lập, nhưng xuất phát từ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này, nên các doanh nghiệp được đăng ký và cấp giấy phép thành lập theo quy định tại Luật doanh nghiệp; đối với các lĩnh vực đặc thù thì sau khi được cấp phép thành lập phải xin giấy phép kinh doanh nếu đủ điều kiện hoạt động được xác định theo các tiêu chuẩn quy định tại luật chuyên ngành. Theo đại biểu, quy định này cũng được thực hiện tại nhiều lĩnh vực như thuốc lá, vận tải, xăng dầu, bia, rượu… Do đó, quy định như Điều 3 của dự thảo Luật “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan đối với doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó” sẽ vừa tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký hoặc sửa đổi ngành nghề kinh doanh.
Thảo luận về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội, đại biểu Lê Đắc Lâm đánh giá chỉ có Điều 10 quy định về doanh nghiệp xã hội sẽ không đủ tiêu chí, tư cách pháp lý cho các doanh nghiệp này hoạt động. Theo đại biểu, dự án luật nên bổ sung khái niệm về doanh nghiệp xã hội, bổ sung thành một chương riêng để quy định tiêu chí, về các vấn đề liên quan đến những doanh nghiệp khác, nhằm tránh tình trạng luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa áp dụng được. Vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng những quy định trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) chủ yếu mang tính nguyên tắc pháp lý về doanh nghiệp xã hội như: quy định về tiêu chí, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh; tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp...
Theo dự kiến Chương trình, sáng 11/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
(Theo TTXVN)
;
.