Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Thứ Năm, 06/11/2014, 14:18 [GMT+7]
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 5-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
* Phân định rõ giám sát của MTTQ Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử
Theo Tờ trình, dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) vẫn giữ đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhưng có sửa đổi, bổ sung nhằm khẳng định truyền thống của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức kết nối giữa Nhân dân với Đảng, với Nhà nước.
Cho ý kiến về nội dung này, các đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La), Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) và một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc không nên có đoạn Mở đầu để bảo đảm thống nhất về hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản luật. Đại biểu nêu: thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đều không có đoạn Mở đầu mà nêu ngay căn cứ và cơ quan ban hành văn bản. Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật cũng thể hiện quan điểm không nên có đoạn Mở đầu; trường hợp cần nhấn mạnh vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam thì nên được thể hiện thành các nội dung điều khoản trong Luật.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm tới hai nội dung về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam (Chương V) và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI). Đối với hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, so với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mặc dù khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật khẳng định “Giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước,...” nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước”.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần phân định rõ giám sát của MTTQ Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Nghiên cứu các hình thức giám sát cho phù hợp, đa dạng, phong phú hơn nhằm bảo đảm việc giám sát mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tạo nên sự nặng nề, trùng lắp tầng nấc giám sát. Việc quy định “Các hình thức giám sát khác phù hợp với quy định của pháp luật” (khoản 5 Điều 28) là chưa rõ ràng, vì Luật này quy định về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam nên cần phải quy định cụ thể các hình thức giám sát… Đại biểu Bùi Nguyên Súy (Sơn La) đánh giá nội dung này thiết kế như dự thảo luật là chưa rõ ràng và đề nghị Chương V cần được thể hiện theo hướng đưa khái niệm về hoạt động giám sát của MTTQ và nêu rõ hoạt động, nguyên tắc, nội dung giám sát để dễ thuận lợi trong thực thi pháp luật.
Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Chương VI), các ý kiến cho rằng việc thể chế hoá chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp đều ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Nhấn mạnh phản biện xã hội của MTTQ nhất thiết phải mang tính nhân dân, đại biểu Bùi Nguyên Súy đề nghị dự thảo Luật phải đưa ra mục đích, nội dung và đối tượng phản biện trong thiết kế Chương VI. 
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ
* Bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân
Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được xây dựng trên cơ sở sửa đổi và hợp nhất Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành, nhằm cụ thể hóa các nội dung mới của Hiến pháp, bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức, chuẩn bị bầu cử.
Thảo luận dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân , nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo luật phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn và bầu ra những người ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Bảo đảm sự phù hợp của Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật để công dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử của mình…
Thảo luận về việc quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, dự thảo Luật bầu cử không quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bởi các nội dung này sẽ được quy định cụ thể trong Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Không tán thành với quan điểm này và cho rằng quy định như vậy là không phù hợp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị cần phải quy định ngay tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội trong dự thảo luật này để làm “bộ lọc” ngay từ đầu vào.
Trên cơ sở tán thành cần có quy định v ề tuyên truyền, vận động bầu cử nhưng một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn để bảo đảm có sự thống nhất trong thực hiện, tạo điều kiện cho người ứng cử sử dụng được một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân, song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình bầu cử. Nhiều ý kiến nhất trí với quy định về hai hình thức vận động bầu cử là người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 66). Tuy nhiên , có ý kiến băn khoăn về việc quy định giới hạn chỉ có hai hình thức vận động bầu cử nói trên sẽ hạn chế khả năng, cơ hội để người ứng cử được tiếp cận, giới thiệu về mình đến cử tri. Ngoài ra, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử (Điều 65) cũng chưa thật sự đầy đủ, chưa dự liệu hết các khả năng có thể phát sinh trên thực tế.
Thảo luận về thời gian bỏ phiếu, Khoản 1 Điều 71 nêu: Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối. Tuỳ tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá mười giờ đêm. Có ý kiến cho rằng quy định kết thúc sớm việc bầu cử trong ngày bầu cử có ưu điểm là có thể tiết kiệm thời gian, công sức ở một số khu vực bỏ phiếu nhưng mặt khác lại dễ dẫn đến việc thúc ép cử tri đi bầu cử sớm hoặc làm gia tăng tình trạng bầu hộ, bầu thay, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền bầu cử của công dân và kết quả bầu cử. Đại biểu Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) nêu lên thực tế ở vùng sâu, vùng xa đi lại rất khó khăn nên việc quy định kết thúc sớm việc bầu cử trong ngày bầu cử là cần thiết. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị cần ghi rõ trong luật được phép kết thúc sớm việc bầu cử nhưng không được trước 17h.
(TTXVN)
;
.