Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII: Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia xử lý nợ xấu
Thứ Hai, 03/11/2014, 09:39 [GMT+7]
Tiếp tục phiên thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, chiều 01-11, các đại biểu đã đóng góp thêm nhiều ý kiến, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri với mong muốn nâng cao hiệu quả tái cơ cấu những trụ cột chính của nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, tự tin hội nhập quốc tế.
* Xử lý nợ xấu, mới chỉ là công việc của riêng ngành ngân hàng
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu là nội dung nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận, góp ý tại buổi làm việc chiều nay với tinh thần chung là đề nghị sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp.
Trình bày quan điểm đánh giá kết quả tái cơ cấu, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, kết quả tái cơ cấu ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang được thực hiện đúng lộ trình với những kết quả bước đầu góp phần tăng cường an toàn tài chính. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ hơn tiến trình xử lý nợ xấu bởi thời gian qua, nợ xấu tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. “Nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không thể chỉ là công việc của ngân hàng. Quốc hội, Chính phủ cần triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý vấn đề hệ trọng này”, đại biểu kiến nghị.
Các đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tán thành với nội dung Báo cáo giám sát, cho rằng, kết quả tái cơ cấu ngân hàng đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững tỷ giá, giữ giá cho đồng nội tệ, là những nền tảng quan trọng cho việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Đại biểu băn khoăn: Vấn đề xử lý nợ xấu mới chỉ có ngành ngân hàng đứng ra giải quyết mà chưa có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây là vấn đề cần có sự chỉ đạo, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đề cập đến tình hình hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), các đại biểu cho rằng, mô hình VAMC đã bước đầu phát huy hiệu quả trên thực tế, nhưng nợ xấu cũ và nợ xấu mới vẫn có xu hướng tăng cao trong bối cảnh nguồn lực của VAMC còn hạn chế thì Chính phủ cần sớm có biện pháp nâng cao năng lực và khả năng quản trị của VAMC. Đại biểu kiến nghị xây dựng cơ chế mua bán nợ xấu theo giá thị trường, có quy chế, định giá nợ xấu để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này.
Chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre) nhận định, thời gian qua, những nợ đọng do xây dựng cơ bản tăng cao làm gia tăng nợ xấu, làm bế tắc dòng chảy tín dụng; gây nên những hệ lụy đối với toàn bộ nền kinh tế. Việc không thể xử lý dứt điểm nợ xấu đã làm chậm tiến trình tái cơ cấu. Trên cơ sở dó, đại biểu kiến nghị hoạt động tái cơ cấu nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
“Kết quả xử lý 250 ngàn tỷ nợ xấu mà chưa cần ngân sách Nhà nước chứng tỏ công tác xử lý nợ xấu đang đi đúng hướng”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) nhận xét.
Hiến kế những giải pháp cụ thể trong vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, thể chế; minh bạch hơn nữa trong sở hữu chéo; xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các địa phương và cả các cơ quan tư pháp để giúp xử lý tài sản thế chấp, cầm cố một cách đơn giản nhất, nhanh chóng nhất, tạo thuận lợi cho ngân hàng thu hồi vốn. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng thương mại một cách chặt chẽ và trao quyền chủ động cho VAMC xây dựng thị trường mua bán nợ xấu để cải thiện tốc độ xử lý nợ xấu.
Bà Nguyễn Thị Phương Đào, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu ý kiến |
* Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động đầu tư công
Những ý kiến liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công của các đại biểu Quốc hội chiều nay đề cập thẳng thắn đến việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là đối với những công trình dàn trải, lãng phí, gây tốn kém tiền của của Nhà nước.
Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) thẳng thắn: Cần xem xét nghiêm túc ở các góc độ để điều chỉnh hành vi phê duyệt nhiều dự án một lúc mà chưa tính đến công trình nào là trọng điểm; việc phân bổ đầu tư tại nhiều nơi còn dàn trải trong khi trách nhiệm xử lý người đứng đầu phê duyệt dự án chưa được đề cao.
Cũng quan tâm đến nợ đọng xây dựng cơ bản, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần cần có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập hợp chính xác trung thực tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Báo cáo sơ bộ là hơn 44 ngàn tỷ nhưng chắc chắn con số thực tế là rất lớn, đại biểu quả quyết. “Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để có giải pháp xử lý vấn đề này; tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản gây nên hậu quả hàng loạt doanh nghiệp xây dựng đứng bên bờ vực phá sản trước sức ép của ngân hàng; đồng thời làm gia tăng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.
Nhìn nhận, những kết quả bước đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua in đậm dấu ấn của Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư những dự án công trình có sức lan tỏa mạnh, có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách. Dẫn chiếu những công trình ngàn tỷ không phát huy công năng trong thực tế, trở thành những địa điểm cho thuê tổ chức sự kiện, gây bức xúc trong nhân dân, đại biểu đề nghị phải kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công; đồng thời rà soát, xây dựng lại các tiêu chuẩn, định mức trong lĩnh vực này.
Đưa một khái niệm mới về tái cơ cấu cũng là nguyện vọng của cử tri, đại biểu Nguyễn Văn Hiến đề xuất, cần đặt vấn đề tái cơ cấu đối với tổ chức, bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên, đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật. “Nhà nước không nên nắm những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm, nên mở rộng xã hội hóa, tái cơ cấu trách nhiệm cán bộ, công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Hiến mạnh mẽ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần xác định rõ hơn mô hình tăng trưởng gắn với trách nhiệm từng bộ, ngành địa phương từng thành phần kinh tế; sớm cụ thể hóa Luật Đầu tư công, từ đó, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động này.
Ông Nguyễn Tiến Sinh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu ý kiến |
* Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình lâu dài
Nêu ý tưởng thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo tái cơ cấu đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thẳng thắn đề nghị cần có sự trao đổi giữa các đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan của Chính phủ xung quanh nội dung giám sát. Theo đại biểu Minh, rất khó để hình dung kết quả tái cơ cấu kinh tế sẽ như thế nào trong bối cảnh tiến hành tái cơ cấu nhưng vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; nợ công ở mức cao; tiến trình thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước chậm chạm, mới thoái được 7 ngàn tỷ trong tổng số 21 ngàn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành của khối này.
Phát biểu tại hội trường với tư cách thành viên Đoàn Giám sát, đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, chủ trương tái cơ cấu là một quá trình đầy “trăn trở”, với mục tiêu tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, việc lựa chọn 3 lĩnh vực: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng – những “đột phá khẩu” nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả nền kinh tế, năng suất lao động. Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất Quốc hội cần thống nhất nội dung của Báo cáo giám sát với những dự thảo Luật trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới nhằm đảm bảo tính đồng bộ.
Cuối giờ chiều, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải trình thêm với Quốc hội xung quanh nội dung các giám sát. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những kết quả bước đầu của tái cơ cấu có được là nhờ nỗ lực của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm, quốc tế đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã ổn định trở lại, tăng trưởng tiếp tục nhích dần lên theo từng năm. Hoạt động ngân hàng dần ổn định, đồng tiền nội tệ giữ giá. Mặc dù vẫn còn chậm trễ so với mong muốn nhưng trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, kết quả này là nền tảng, thành công bước đầu rất đáng ghi nhận.
Khẳng định tái cơ cấu là quá trình lâu dài, không thể chỉ diễn ra trong vài ba năm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, việc lựa chọn 3 khâu đột phá để tái cơ cấu trên là gai góc, khó khăn đòi hỏi phải làm nhanh hơn, tốt hơn nữa hướng đến cấc mục tiêu nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ công nghệ tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế đủ sức cạnh tranh hội nhập quốc tế.
Cũng trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tự xây dựng đề án tái cấu trúc của ngành mình, lĩnh vực mình; trong đó, đặc biệt quan tâm đến khâu đổi mới cán bộ để từ đó, đổi mới cấu trúc, bộ máy. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý đầy trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong những buổi thảo luận vừa qua; đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
(Theo TTXVN)
;