Bên lề Kỳ họp 8 Quốc hội khoá XIII: Tuyển chọn nghiêm túc để cán bộ, công chức không ngồi nhầm chỗ
Thứ Tư, 19/11/2014, 09:33 [GMT+7]
Đó là một trong hai kiến nghị mà đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đưa ra đối với Chính phủ, Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng trong việc tuyển chọn, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ công chức.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội trước nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 18-11 về vấn đề tuyển chọn, đề bạt cán bộ, công chức, vấn đề tinh giản biên chế và xử lý vi phạm trong thi tuyển, đại biểu Trần Ngọc Vinh đánh giá, trong kỳ họp này Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã rất thẳng thắn, được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Đây là một trong những lĩnh vực nhạy cảm- đụng chạm đến con người, nên rất phức tạp, nhưng Bộ trưởng đã không né tránh. Tuy nhiên, do việc bố trí thời gian chất vấn đối với các Bộ trưởng còn ít, trong khi có rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống xã hội cần được giải quyết, nên nhiều nội dung vẫn chưa được Bộ trưởng đề cập sâu, chưa đưa ra được những giải pháp xác đáng.
Có chung nhận xét, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã phản ánh cụ thể, thực chất vấn đề tiêu cực trong thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ, tuy nhiên cần đưa ra các giải pháp mạnh hơn và lộ trình xử lý ngắn hơn. Về vấn đề phát hiện, xử lý những tiêu cực nảy sinh trong quá trình tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ theo Nghị quyết 69 của Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho biết, tuy có đề cập trong một số nội dung trả lời, nhưng việc phát hiện và xử lý sai phạm sau khi có Nghị quyết 69 đến nay như thế nào chưa được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình làm rõ. Điều này khiến đại biểu chưa thoả mãn.
* Thực hiện nghiêm túc minh bạch khâu tuyển chọn, đánh giá cán bộ
Trước vấn đề tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức tồn tại nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu, gây bức xúc trong cử tri hiện nay, các đại biểu đều cho rằng, chúng ta phải dân chủ, công khai, minh bạch và làm chặt chẽ, nghiêm túc thì mới chọn đúng người đúng việc. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết, hiện nay chúng ta đang thực hiện đề án tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức tại các cơ quan công quyền. Để thực hiện thành công đề án đó, đại biểu kiến nghị hai biện pháp. Một là, khâu tuyển đầu vào phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tránh tuyển những người "vì các lý do khác ngoài lý do về năng lực trình độ và đạo đức". Ngăn chặn hiện tượng dùng “biện pháp ngoại giao” và “là con ông cháu cha” nhưng không có năng lực lọt được vào các vị trí cần tuyển. Hai là, cần mạnh dạn thải loại những người đương chức không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta cần xây dựng các tiêu chuẩn kiểm tra, đánh giá hàng năm để loại những cán bộ công chức, viên chức chất lượng thấp ra khỏi bộ máy. “Cần bố trí đúng người đúng việc, công việc nào tiền lương ấy. Lấy đó làm tiêu chí để cán bộ công chức thường xuyên phấn đấu, nâng cao trình độ năng lực”.
Theo đại biểu Bùi Thị An, trong công tác tổ chức cán bộ, công tác con người là quan trọng nhất. Công tác này gồm các khâu đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm. Khi làm tốt tất cả các khâu đó, chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu công việc. “Việt Nam không thiếu người tài, tuy nhiên để tuyển đúng được người có thực tài, giải pháp đầu tiên là phải làm minh bạch, chặt chẽ và nghiêm túc”, đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh, “minh bạch về tiêu chuẩn, tiêu chí, về hội đồng tuyển dụng thậm chí minh bạch về công tác chấm thi... Có như vậy mới hạn chế được vấn nạn xin-cho”.
Cũng như công tác tuyển dụng, việc tinh giảm biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng cần minh bạch. Trước hết cần rà soát lại bộ máy tổ chức, rà soát lại chức năng của từng bộ phận để thấy được nhu cầu thực sự sử dụng lao động. Hai là, cần tránh tâm lý nể nang trong việc cắt giảm biên chế thừa. “Ở Việt Nam ta, tâm lý nể nang nặng quá. Yêu quý nhau là tốt như trong công việc phải vì cái chung. Trên cơ sở tiêu chuẩn, chức năng của từng vị trí công tác để cắt, giảm biên chế. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác của bộ máy nhà nước”, đại biểu Bùi Thị An phát biểu.
Trước đó, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cũng thừa nhận, việc tinh giảm biên chế bộ máy hành chính là không đơn giản và đã kéo dài, vì động chạm đến những con người cụ thể. Theo đó, để giải quyết được vấn đề cần xây dựng được cơ chế đánh giá cán bộ; quy định vị trí việc làm; tuyển cán bộ phải xuất phát từ nhu cầu công việc; phải quy định rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân, bộ phận trong các cơ quan nhà nước, để khi họ trúng tuyển thì họ phải biết lo lắng, cố gắng thực hiện công việc, nếu không sẽ bị sa thải. Đối với những người không đảm bảo được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ở vị trí được tuyển dụng, cần mạnh dạn loại ra. Đồng thời với đó, cần có chính sách đối với lực lượng bị đào thải, để họ có được việc làm khi ra khỏi bộ máy nhà nước. “Cần xoá bỏ tâm lý là khi đỗ vào công chức rồi, người ta cứ ung dung yên vị, chẳng lo bị đào thải, cứ đến hẹn thì được tăng lương, thăng chức”. Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại dẫn ví dụ về kết quả một cuộc điều tra cho thấy, có hơn 45% cán bộ công chức được hỏi cho biết, khi vào cơ quan nhà nước họ có cơ hội kiếm tiền và không có nơi nào hấp dẫn hơn bằng vào các cơ quan nhà nước để có việc làm ổn định và có cơ hội thăng tiến. “Đây là tâm lý ỷ vào Nhà nước của một bộ phận công chức nhà nước hiện nay”, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nhận xét.
(Theo TTXVN)
;