Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương

Thứ Tư, 01/10/2014, 10:47 [GMT+7]

(BNCTW) - Chiều 30-9, tiếp tục Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp.

Theo Tờ trình, dự án Luật điều chỉnh về tổ chức đơn vị hành chính; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; về phân định thẩm quyền và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; về tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND và mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Các nội dung cụ thể về hoạt động giám sát của HĐND do Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND điều chỉnh. Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt điều chỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp

Căn cứ vào phạm vi điều chỉnh nêu trên, dự án Luật xây dựng 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính: 1- Không tổ chức HĐND ở quận, phường; 2- Tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính. Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 07 vấn đề còn có ý kiến khác nhau: tên gọi “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; cách thức thành lập UBND quận, phường (trong trường hợp không tổ chức HĐND ở quận, phường); cách thức quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND; bảo đảm sự gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND và phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND.

Thẩm tra dự án Luật, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về việc trình Quốc hội 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tán thành việc giao Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm các thành viên UBND quận, phường nhưng đề nghị làm rõ ai là người có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm. Ngoài ra, đề nghị dự thảo Luật cần quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (điều kiện, trình tự thành lập, giải thể, mô hình tổ chức ngay trong dự thảo Luật); không nên quy định về hoạt động của chính quyền địa phương mà tập trung quy định những vấn đề về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những nguyên tắc hoạt động chính của chính quyền địa phương; không nên giao Chính phủ hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính…

Tại Phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề quan trọng nhất, do vậy Tờ trình cần phải phân tích sâu hơn những ưu điểm, nhược điểm, khó khăn, thuận lợi của từng mô hình để làm cơ sở cho Quốc hội lựa chọn. Làm rõ những đơn vị hành chính nào thì tổ chức chính quyền địa phương; đơn vị hành chính nào thì tổ chức cấp chính quyền địa phương. Đối với đặc khu hành chính - kinh tế, hải đảo, huyện chỉ cần 1 cấp chính quyền. Xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở nông thôn, đô thị và hải đảo phù hợp với tính chất của nông thôn, đô thị, hải đảo. Đồng tình với tên gọi “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc trung ương là “thành phố”. Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để góp phần bảo đảm duy trì tính ổn định của các đơn vị hành chính…

Phương Thảo

;
.