Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thứ Năm, 02/10/2014, 10:18 [GMT+7]

(BNCTW) - Chiều 01-10, tiếp tục Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Tại Phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam trình bày Tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Theo đó, bố cục của Dự thảo gồm Phần mở đầu, 9 chương, 42 điều; so với Luật hiện hành, Dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung hầu hết các điều, chỉ giữ lại những quy định về khái niệm, vị trí, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Những vấn đề còn lại được sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, toàn diện và cụ thể nhằm bảo đảm để các quy định phù hợp với thực tiễn và những yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và quy định tại Hiến pháp; khắc phục những bất cập, khó khăn của Mặt trận về cơ chế pháp lý cụ thể để MTTQ Việt Nam thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân; về trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ Việt Nam được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau; về tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam chưa đáp ứng nhiệm vụ tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cần cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013.

Tờ trình cũng đưa ra một số vấn đề có ý kiến khác nhau xin ý kiến của Ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ nhất, về vấn đề MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên; phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng dự thảo Luật còn hai loại ý kiến: 1- Đề nghị trong Dự thảo luật lần này cần bổ sung quy định về việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phẩn biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng. 2- Không nên bổ sung các quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng.

Thứ hai, về Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư cũng có 2 loại ý kiến: 1- Việc quy định Ban công tác Mặt tận tại khu dân cư là cần thiết vì mô hình này đã ổn định trên thực tế và thực tiễn cho thấy hoạt động có hiệu quả cao. 2- Băn khoăn về việc quy định ban công tác Mặt trận và cho rằng quy định này có thể dẫn đến cách hiểu đây là một cấp của Mặt trận.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng dự thảo Luật lần này về cơ bản đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các văn bản khác của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, để MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận thì cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn các cơ chế để Mặt trận thực hiện các nhiệm vụ; tham gia hoạt động góp ý với Nhà nước, thực hiện giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa MTTQ Việt Nam với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành có liên quan; xác định rõ những nội dung cần quy định trong Luật, những nội dung quy định trong Điều lệ.

Tại phiên họp, đa số các đại biểu cho rằng không nên quy định trong Luật việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, bởi vấn đề này nên để quy định trong các văn bản của Đảng.

Về tổ chức của MTTQ Việt Nam, có ý kiến cho rằng, MTTQ Việt Nam gồm 4 cấp theo đơn vị hành chính, riêng đối với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư không phải là một cấp nhưng cần quy định trong Luật, bởi mô hình này đã ổn định trên thực tế và thực tiễn cho thấy hiệu quả cao, và hoạt động theo cơ chế hiện nay, đảm bảo không phát sinh thêm biên chế.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, giám sát xã hội, khác với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước; xác định rõ đối tượng, nội dung của hoạt động giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện, hình thức giám sát phải phù hợp tránh trùng lắp, nhiều tầng nấc giám sát.

Nguyễn Hương

;
.