Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng

Thứ Năm, 02/10/2014, 10:15 [GMT+7]

(BNCTW) - Tiếp tục Phiên họp thứ 31, sáng ngày 01-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận Báo cáo giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015” của Đoàn Giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập.

Báo cáo gồm 3 phần chính: Tình hình ban hành chính sách, pháp luật về tái cơ đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; kết quả thực hiện tái cơ cấu trên ba lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; những đề xuất, kiến nghị. 

Qua thảo luận, đa số các đại biểu đánh giá cao hoạt động của Đoàn Giám sát trong việc xây dựng tập tài liệu phân tích đối với quá trình tái cơ cấu cả ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, một số nội dung báo cáo giám sát chưa phân tích rõ kết quả trong quá trình thực hiện đề án, còn trùng lắp và cần có sự phân biệt rõ với báo cáo tình hình kinh tế xã hội theo yêu cầu của giám sát theo nghị quyết của Quốc hội giai đoạn 2011-2015.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phân tích, tái cơ cấu là đổi mới thể chế, vì vậy báo cáo giám sát cần đánh giá kỹ hiệu quả hoàn thiện về chính sách, đổi mới mô hình như việc thành lập VAMC, tái cơ cấu Vinalines, Vinashin. Ngoài ra, Báo cáo giám sát cần đánh giá trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành, cơ quan, các bộ, ngành, Chính phủ và cả Quốc hội để rút kinh nghiệm, hoàn thiện những mô hình đem lại hiệu quả thực chất hơn.

Đánh giá cao kết quả giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước góp ý: Báo cáo cần phân tích sâu thêm về nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư công, trong đó có việc tập trung đầu tư vào các chương trình mục tiêu quốc gia bằng các nguồn ngân sách, trái phiếu và cả nguồn vốn xã hội; đồng thời cần đặt trọng điểm công tác tái cơ cấu trong vòng 5-10 năm tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội, vì vậy phải phân tích đầy đủ kết quả đạt được về tình hình tái cơ cấu, những mặt hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo cần đặt ra mục tiêu tái cơ cấu đến 2015 và những năm tiếp theo. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể gắn với xây dựng mô hình phát triển kinh tế thị trường bền vững, hiệu quả cao, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường.

Hà Thanh

;
.