Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp

Thứ Tư, 22/10/2014, 11:13 [GMT+7]
Ngày 20-10, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 được Tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày trước Quốc hội.
Trong đó, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, với mức độ ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. 
Tổng Thanh tra Chính phủ, Huỳnh Phong Tranh
Tổng Thanh tra Chính phủ, Huỳnh Phong Tranh
Báo cáo của Chính phủ cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng trong năm nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý, điều tra 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 256 vụ, 593 bị can. Tổng tài sản thiệt hại khoảng 6.740 tỷ đồng. Tài sản thu giữ, thu hồi trên 1.500 tỷ đồng. 
Cũng trong 9 tháng đầu năm các địa phương, đơn vị đã xử lý kỷ luật 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức.
Về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng từ đầu năm đến nay, báo cáo cho thấy với hơn 200.000 cuộc thanh tra hành chính, kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện vi phạm hơn 31.800 tỷ đồng, trên 4.700 ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước trên 27.000 tỷ đồng và 3.660 ha đất. Qua đó cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.688 tập thể, 2.989 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 61 vụ.
Ngành thanh tra đã phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68 tỷ đồng; đã thu hồi gần 47 tỷ đồng (đạt 68%, tăng 18% so với năm 2013). Đặc biệt nhiều vụ án nghiêm trọng được xét xử đã đem lại niềm tin của người dân.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc chuyển các hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu tham nhũng còn vướng mắc, các cơ quan vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá vụ việc cần chuyển cơ quan điều tra, nhất là các vụ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.
Trong báo cáo trình bày trước phiên họp, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng nhấn mạnh hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua dù đã có tác dụng răn đe nhất định và hạn chế tham nhũng, tuy nhiên thực tế vẫn còn bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau. “Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công... Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp”.
Cơ bản tán thành với những nguyên nhân hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện khi trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là kỷ cương quản lý Nhà nước trên một số ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị, nên tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo; bệnh quan liêu, thành tích vẫn nặng nề. Đồng thời Ủy ban này cũng đề nghị phải làm ra nguyên nhân trên đây nhất là về mặt chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp, có hiệu quả trong thời gian tới.
                                                                                           Vân Anh
                                                                                         (Đài THVN)
;
.