Việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Thứ Ba, 16/09/2014, 09:29 [GMT+7]

Chiều 15-9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Báo cáo nhận định về cơ bản, hoạt động chấp hành pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, kiểm lâm là đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự về phạm vi và thẩm quyền. Công tác khám xét, thu giữ, bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan đến vụ án; khám người; trưng cầu giám định đều được thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ do bộ đội biên phòng và cảnh sát biển thực hiện cơ bản được đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Khi ra quyết định tạm giữ đều thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền, các quyết định gia hạn tạm giữ đều được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn, không để xảy ra tình trạng quá hạn tạm giữ. Đối với công tác lập hồ sơ vụ án hình sự, sổ sách theo dõi công tác tạm giữ được làm đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 14
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 14

Nhận xét về mặt còn hạn chế, Đoàn giám sát nhận thấy các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong công an nhân dân hầu như không thực hiện thẩm quyền điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 mà chỉ tiến hành tiếp nhận, chuyển giao vụ việc cho Cơ quan điều tra chuyên trách điều tra. Nguyên nhân được chỉ ra do có sự “đùn đẩy” trách nhiệm cho cơ quan điều tra chuyên trách, không thực hiện thẩm quyền điều tra của mình mà chỉ tập trung giải quyết những vụ việc theo thủ tục hành chính.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Trong đó cần nghiên cứu xác định cụ thể mô hình, phạm vi, thẩm quyền tố tụng, người tiến hành tố tụng của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để đề xuất những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng hệ thống cơ quan điều tra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra của các cơ quan này. Đề nghị tiếp tục giao cho bộ đội biên phòng, lực lượng cảnh sát biển, hải quan, kiểm lâm và các cơ quan khác trong công an nhân dân, quân đội nhân dân thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra như hiện nay. Nghiên cứu việc trao thẩm quyền này cho một số cơ quan khác như cơ quan thuế, kiểm toán nhà nước, kiểm ngư.

Về kiến nghị này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cảnh báo, “điều tra liên quan đến quyền cơ bản của công dân nên phải hết sức thận trọng khi đề xuất mở rộng thẩm quyền điều tra ”. Theo bà Lê Thị Nga chỉ những lực lượng đặc thù, ở xa đất liền không có cơ quan điều tra chuyên trách mới nên được mở rộng quyền điều tra, những nơi có cơ quan điều tra chuyên trách thì không nên giao quyền này. Đồng thời, đảm bảo hoạt động điều tra được tiến hành đúng pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm quyền công dân “nếu lực lượng nào được mở rộng thẩm quyền điều tra do đặc thù thì cũng phải có điều tra viên chuyên trách” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị.

Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu việc bổ sung thẩm quyền áp dụng một số biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự để phục vụ điều tra cho một số cơ quan; nghiên cứu việc bổ sung phạm vi về tội danh thuộc thẩm quyền của một số cơ quan…

(Theo TTXVN)

;
.