Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thứ Ba, 23/09/2014, 14:25 [GMT+7]
Sáng 23-9, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Thảo luận về dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), về Tòa án thực hiện quyền tư pháp (khoản 2, Điều 2) đa số ý kiến cơ bản tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật về nội dung “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” và đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh sửa bảo đảm đầy đủ, chính xác. Tòa án nhân dân tối cao có đề nghị bổ sung nội dung về Tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc Tòa án có quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự. Vấn đề này, Ủy ban Tư pháp cho rằng tại điểm b khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật đã quy định “ Thông qua hoạt động xét xử, xem xét và kết luận về tính hợp pháp các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét và kết luận tính hợp pháp các chứng cứ, tài liệu do Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập, Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp; yêu cầu Viện kiểm sát điều tra, xác minh thu thập bổ sung chứng cứ; yêu cầu Điều tra viên trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm” là phù hợp với thực tiễn và lý luận. Về thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra. Thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ (trừ thẩm quyền điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa). 
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung quy định Tòa án có thẩm quyền điều tra, xác minh chứng cứ (hoặc trực tiếp chỉ đạo điều tra, xác minh, bổ sung chứng cứ) đối với những vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã thụ lý để đảm bảo xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Trường hợp trong quá trình xét xử, nếu Tòa án phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội mới thì Tòa án khởi tố vụ án để chuyển cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định tại Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự thảo luật cần quy định chặt chẽ, phản ánh đúng tinh thần của Hiến pháp: Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Quyền này thể hiện trong việc, Tòa án có thể tiến hành điều tra, xác minh chứng cứ trong trường hợp cần thiết mà không trả hồ sơ điều tra bổ sung lại từ đầu; đảm bảo tính độc lập của Tòa án trong xét xử.
Thảo luận việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân (Điều 43) đa số ý kiến tán thành không thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quốc hội sẽ ban hành Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) trong đó có thủ tục tố tụng rút gọn (thủ tục giản lược...) sẽ được áp dụng. Các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử các vụ việc đơn giản, rõ ràng. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của đất nước, xu hướng chuyên môn hóa trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, Ủy ban Tư pháp tán thành với một phần đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao là cần thành lập một Tòa chuyên trách mới để xử lý hành chính các loại việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân như: “ đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”và đề nghị lấy tên Tòa này là “Tòa xử lý hành chính” .
Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Thảo luận về phạm vi chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 3), dự thảo quy định chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân: “Thực hành quyền công tố là các hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định thời điểm bắt đầu thực hiện quyền công tố sớm hơn so với dự thảo. Có ý kiến đề nghị thực hành quyền công tố ngay từ khi có hành vi tội phạm xảy ra; có ý kiến đề nghị thực hành quyền công tố ngay từ khi Cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; có ý kiến đề nghị thực hành quyền công tố ngay từ khi khởi tố vụ án hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người tình nghi thực hiện tội phạm....
Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành một số hoạt động xác minh, điều tra như lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như: bắt, tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang; gia hạn tạm giữ, thu giữ, tạm giữ các đồ vật, tài liệu..... Kết quả giám sát thời gian qua cho thấy trong giai đoạn này đã xảy ra những trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan, sai; việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Những hoạt động này được tiến hành trước khi khởi tố vụ án, vì vậy nếu chỉ quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của Viện kiểm sát, không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
Để bảo đảm chống tội phạm trong hoạt động tư pháp có hiệu quả, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân , nhiều ý kiến tán thành chỉnh lý Điều 20 dự thảo về thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao như sau: “Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hoặc người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”. Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng đề nghị cần quy định cụ thể về “một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp…” là gì, tránh gây rắc rối trong áp dụng pháp luật.
Theo chương trình, chiều 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
(TTXVN)
;
.