Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương
Thứ Hai, 15/09/2014, 10:39 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 13-9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã tiến hành Phiên họp thứ 16. Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh Phiên họp |
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, đề xuất nội dung dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp); các báo cáo của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về một số nội dung cơ bản của của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật dân sự năm 2005.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng các tài liệu phục vụ phiên họp thứ 16. Dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, đề xuất nội dung dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đánh giá sát thực với tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian qua, nêu được những quan điểm, định hướng lớn về công tác tư pháp và cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Báo cáo của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về một số nội dung cơ bản của của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự cho thấy việc sửa đổi, bổ sung hai bộ luật này là cần thiết. Mục tiêu, quan điểm, nội dung sửa đổi hai bộ luật này phù hợp với chủ trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự được nêu trong các nghị quyết, kết luận của Đảng và những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên, tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện Tờ trình, Báo cáo kết quả nghiên cứu, đề xuất nội dung dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (về công tác tư pháp và cải cách tư pháp), trình Tiểu ban văn kiện Đại hội XII của Đảng. Về việc chỉnh lý dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Bộ luật dân sự (sửa đổi), đối với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau cần trình 2 phương án, có lập luận khoa học, thuyết phục đối với mỗi phương án và thể hiện rõ quan điểm của Ban soạn thảo. Cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ những vấn đề mới phát sinh trên cơ sở phù hợp với đường lối của Đảng và Hiến pháp; khẩn trương hoàn thiện các dự thảo nói trên trình Quốc hội vào năm 2015.
Hà Thanh
;