Phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay
Thứ Sáu, 12/09/2014, 09:32 [GMT+7]
Ngày 10-9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo thực trạng hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11-2013 đến tháng 9-2014 với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài Bộ Tư pháp. Các hoạt động chính được tiến hành trong nghiên cứu bao gồm: Thu thập tài liệu, dựng lại hồ sơ pháp lý của các luật được chọn làm đối tượng nghiên cứu (Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010; Luật an toàn thực phẩm năm 2010; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2013 và Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012); thực hiện phỏng vấn sâu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để có đủ cứ liệu thuyết phục cho việc xây dựng Báo cáo.
Quang cảnh Hội thảo |
Theo thông lệ quốc tế, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của một dự án luật (Báo cáo RIA) là một công cụ phân tích chính sách quan trọng để làm rõ vấn đề dự án luật cần phải giải quyết, nguyên nhân của vấn đề, các giải pháp giải quyết vấn đề, dự báo tác động của từng phương án và lý do chọn phương án tối ưu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, một số chính sách chưa được đánh giá và phân tích thấu đáo trong báo cáo RIA, kết luận lựa chọn chính sách đôi khi chưa thuyết phục do chưa dựa trên cơ sở so sánh chi phí – lợi ích với những thông tin, số liệu minh bạch. Điều này làm cho cơ quan chủ trì soạn thảo khá vất vả khi muốn bảo vệ phương án mà mình theo đuổi…
Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo cho rằng, để bảo đảm cho một dự án luật được ban hành đáp ứng được yêu cầu cuộc sống thì xây dựng chính sách cần được thiết kế thành một giai đoạn riêng trước khi soạn thảo một dự án Luật; cần hoàn thiện chế định đánh giá tác động kinh tế - xã hội; tạo nhiều cơ hội cho sự góp ý, phản biện đối với dự án Luật; khắc phục tính cắt khúc trong quy trình xây dựng luật hiện hành; tăng cường năng lực, tính chuyên nghiệp cho cán bộ trong hoạt động phân tích chính sách, xây dựng luật; tăng cường đầu tư kinh phí cho quá trình xây dựng chính sách và xây dựng pháp luật.
Việc nghiên cứu thực trạng hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay nhằm thu thập và cung cấp các bằng chứng về thực tiễn hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam. Qua đó, sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và các biện pháp hoàn thiện cơ chế hoạch định, phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật.
Thu Hương
(Bộ Tư pháp)
;