Nâng cao công tác phối hợp phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tiêu cực, tham nhũng
Ngày 3-9, Kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp nhằm tăng cường phối hợp công tác, nâng cao hiệu quả và triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Quy chế nêu cụ thể, chi tiết về các nội dung cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán, thanh tra hàng năm nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tiêu cực, tham nhũng; thực hiện kiến nghị sau kiểm toán, thanh tra; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa Kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình ký Quy chế phối hợp công tác |
Thông qua hoạt động kiểm toán sẽ rà soát, đánh giá độc lập, khách quan về mức độ đầy đủ, tính thích hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ. Phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
Các đơn vị được phân công làm đầu mối giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp này là Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VII và Vụ Kiểm toán nội bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước có ý nghĩa rất lớn đối với ngành Ngân hàng trong việc tăng cường sự minh bạch thông tin về hoạt động ngân hàng, củng cố và tạo dựng niềm tin của dân chúng và các nhà đầu tư về hoạt động ngân hàng. Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp thêm thông tin giúp Ngân hàng Nhà nước đánh giá đầy đủ và toàn diện tình hình quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính trong các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước cũng góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng từng bước củng cố hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam.
Quy chế có hiệu lực kể từ ngày ký.
Hoàng Thùy Linh
(Đài TNVN)