Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt pháp luật về công tác tiếp công dân
Thứ Sáu, 19/09/2014, 16:09 [GMT+7]
Ngày 19-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật tiếp công dân và Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tiếp công dân.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ |
Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Tham dự Hội nghị tại 64 điểm cầu có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Đoàn Đại biểu quốc hội, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Theo Báo cáo tại Hội nghị, năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực: số vụ việc, đơn thư và số công dân đến khiếu nại, tố cáo giảm; số vụ việc giải quyết theo thẩm quyền đạt tỷ lệ cao; chất lương, hiệu quả giải quyết và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền được nâng cao. Công tác tiếp công dân được quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ khi thực hiện Luật tiếp công dân; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương trong việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ, đi vào nền nếp.
Cụ thể, số lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8%; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 9,54%, phần lớn địa phương có tình hình khiếu nại, tố cáo giảm. Tuy nhiên số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng so với năm 2013 là 12,1%.
Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 37.716/44.426 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 24,8 tỷ đồng, 10,6 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 86,1 tỷ đồng, 20,2 ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 594 (đã xử lý 446 người), chuyển cơ quan điều tra 83 vụ, 39 người.
Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.787 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 4.081 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện 492 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 435 tổ chức, 462 cá nhân; xử lý hành chính 23 tổ chức 06 cá nhân.
Tính đến ngày 15-8-2014, đã xem xét, giải quyết 494/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP, đạt tỷ lệ 93,56%. Còn 34 vụ việc đang được tập trung giải quyết. Các bộ, ngành, địa phương đang kiểm tra, rà soát và giải quyết theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP, tính đến ngày 15/8/2014, đã kiểm tra, rà soát 537 vụ việc, trong đó có: 215 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý; 288 vụ việc đang xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức, quan điểm của Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm tạo sự chuyển biến lớn trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đồng chí yêu cầu người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ. Các bộ, ngành, địa phương cần củng cố, kiện toàn bộ máy, năng lực của cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc đông người vượt cấp, có biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại tố cáo cũng như các trường hợp kích động, lôi kéo công dân để gây rối. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức; rà soát lại thủ tục hành chính, chế độ đền bù tái định cư, trong quá trình đền bù cần quan tâm đến chế độ an sinh xã hội cho người dân; tiếp tục kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo…
Thy Lan
;