Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)
(BNCTW) - Sáng ngày 08-9, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu chuyên trách đến từ các tỉnh, thành trong cả nước và đại diện một số cơ quan Trung ương khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.
Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày Báo cáo một số vấn đề dự kiến giải trình, tiếp thu và xin ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), nêu rõ những vấn đề tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật, đối chiếu với Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành và các nội quy, quy chế để quy định cụ thể hơn về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đối với hoạt động của Quốc hội thì chỉ giữ lại những quy định có tính nguyên tắc, khái quát. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Quốc hội, thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò của Quốc hội như trong việc làm luật, sửa đổi luật; giám sát tối cao; bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước; lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm và trong việc trưng cầu ý dân. Dự thảo Luật cũng thể hiện rõ hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân; thể hiện rõ quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh và các điều kiện bảo đảm để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tiếp tục khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội là hình thức tổ chức hoạt động của các đại biểu Quốc hội được bầu ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời, khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội có Văn phòng giúp việc. Ngoài ra, dự thảo Luật vẫn giữ quy định về chức danh Tổng Thư ký Quốc hội.
Để xác định rõ hơn vị trí pháp lý của Văn phòng Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, phục vụ Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội (40% đến 50% tổng số đại biểu Quốc hội). Để bảo đảm hỗ trợ tốt hơn cho đại biểu Quốc hội, giúp Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của UBTVQH và Hội đồng dân tộc với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, nhiều ý kiến đề nghị quy định Đoàn đại biểu Quốc hội là một cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, có nhiệm vụ, quyền hạn và kinh phí độc lập. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ của Quốc hội trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; nâng Ban công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH thành cơ quan thuộc Quốc hội; quy định rõ tiêu chuẩn, phẩm chất của đại biểu Quốc hội, (là chuyên viên cao cấp, có 15 năm công tác, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan trong hoạt động); có cơ chế để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội...
Phương Thảo