Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục đầu tư

Thứ Sáu, 19/09/2014, 16:26 [GMT+7]
Ngày 18-9, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 370/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục đầu tư.
Để triển khai đồng bộ các yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo định hướng đã được Chính phủ thông qua, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng giảm 50% thời gian đăng ký thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp so với thời gian trung bình hiện nay trước ngày 31-12-2014. Rà soát toàn diện, kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiêt, gây khó khăn, phiên hà cho doanh nghiệp; bảo đảm các thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; công khai hồ sơ, quy trình nghiệp vụ thực hiện đối với từng thủ tục; giảm bớt thủ tục bắt buộc phải cấp phép, chuyển sang công bố công khai điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động đáp ứng, tuân thủ điều kiện theo quy định, đồng thời tăng cường trách nhiệm hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục, điều kiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyến đối loại hình doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi, linh hoạt cho doanh nghiệp tái cơ cấu, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp; hoàn thiện quy trình, thủ tục giải thể doanh nghiệp bảo đảm rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rút khỏi thị trường; thống nhất một đầu mối, xây dựng quy trình liên thông trong giải quyết thủ tục giải thế doanh nghiệp, thực hiện đồng thời các thủ tục quyết toán thuế và các thủ tục khác, trong đó xác định rõ trách nhiệm, thời hạn cụ thể của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục này. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, UBND các cấp, cơ quan quản lý doanh nghiệp trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, đặc biệt đối với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh các ngành, nghề có điểu kiện; hoàn thiện chế tài đủ sức răn đe, ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Bộ khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vận hành thông suốt Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, nhân rộng mô hình liên thông điện tử trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và các thủ tục hành chính khác....
Bộ Tài chính chủ trì, phối họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào vận hành hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động; nghiên cứu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi quy định về thuế môn bài. Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy đinh về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.
Về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, hoàn thiện Luật Đầu tư (sửa đổi) theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện hành theo hướng: quy định rõ các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan đầu mối giải quyết thủ tục đầu tư có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều Bộ, ngành, cơ quan liên quan; nguyên tắc liên thông, thực hiện đồng thời các thủ tục đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án đầu tư; thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận địa điểm; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; tăng cường hậu kiểm để bảo đảm quản lý nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định hiện hành về quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ; xây dựng dự án Luật quy hoạch theo hướng xác định cụ thể các loại quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của các quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định chưa hợp lý trong quy trình thẩm định dự án đầu tư về: báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giảm thời gian, đơn giản hóa các thủ tục giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất đối với doanh nghiệp; rút ngắn tối đa thời gian thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng; thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy theo hướng quy định rõ các tiêu chí, điều kiện và tăng cường hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành thông tư liên tịch xây dựng quy trình liên thông về thủ tục tiếp cận điện năng để giám bớt thời gian thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp...
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các nhiệm vụ: Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
(Theo TTXVN)
;
.