Thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Thứ Ba, 19/08/2014, 15:29 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 19-8, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì Phiên họp.
Dự họp có các đồng chí ủy viên của Ủy ban Pháp luật; đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Viện nghiên cứu lập pháp, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành khác. 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự kiến cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (Khóa XIII). Với mục tiêu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, xây dựng Chính phủ mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, phát huy mạnh mẽ dân chủ và pháp quyền, dự thảo Luật được kết cấu gồm 08 chương, 45 điều quy định cụ thể về chức năng của Chính phủ; nhiêm vụ, quyền hạn của Chính phủ; cơ cấu tổ chức của Chính phủ và thành viên Chính phủ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; chế định Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trình bày Tờ trình về dự án Luật. Theo đó, Bộ Nội vụ đã báo cáo và xin ý kiến về các nội dung sau:
Về phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Quy định rõ những nhiệm vụ không phân cấp và những nhiệm vụ có thể phân cấp hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương. Phương án 2: Chỉ nêu nguyên tắc chung về phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương; theo đó việc phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành và quy định của Chính phủ.
Về thực hiện chức năng phối hợp và kiểm soát của Chính phủ với cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Quy định cụ thể nhiệm vụ của Chính phủ về kiểm soát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý về hành chính công vụ trong các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp và cơ quan nhà nước khác để bảo đảm thực hiện quản lý thống nhất nền hành chính quốc gia. Phương án 2: Không quy định cụ thể mà chỉ bổ sung nội dung này vào nhiệm vụ, quyền hạn này của Chính phủ theo từng lĩnh vực.
Ngoài ra, Ban soạn thảo còn xin ý kiến về một số vấn đề khác như: quan hệ của Chính phủ đối với tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội; vấn đề liên quan đến cơ chế hoạt động của Chính phủ; làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ, là người đứng đầu Bộ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Tại Phiên họp, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật thể hiện rõ hơn tinh thần kiểm soát của Chính phủ đối với nhánh lập pháp và tư pháp; luật hóa tổ chức của Chính phủ ngay trong dự thảo Luật; làm rõ sự phân công, phân cấp, phân định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ với các Bộ trưởng, của Bộ trưởng với Bộ. Một số ý kiến đề nghị không quy định các cơ quan như Viện hàn lâm, đài truyền hình, đài phát thanh thành cơ quan thuộc Chính phủ vì đây là những cơ quan độc lập, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước; hạn chế việc để Bộ quản lý các doanh nghiệp….
Nguyễn Phương Thảo
;
.