Thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Thứ Năm, 21/08/2014, 10:36 [GMT+7]
(BNCTW) – Ngày 20-8, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các đồng chí: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng chủ trì Phiên họp.
Quang cảnh Phiên họp |
Dự họp có các đồng chí ủy viên của Ủy ban Pháp luật cùng đại diện đến từ các cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Viện nghiên cứu lập pháp và một số cơ quan khác.
Luật Ban hành VBQPPL nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong Luật hiện hành, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tạo khuôn khổ pháp lý với nhiều đổi mới về xây dựng và thi hành pháp luật, xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả.
Dự thảo Luật với 16 chương, 158 điều đã đưa ra nhiều nội dung mới, được sửa đổi, bổ sung rất quan trọng: Khái niệm quy phạm pháp luật và chỉnh lý khái niệm văn bản QPP; hình thức và thẩm quyền ban hành VBQPPL; quy trình soạn thảo, ban hành VBQPPL; xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; áp dụng VBQPPL và tổ chức thi hành VBQPPL.
Dự thảo Luật tiếp tục thu gọn hình thức VBQPPL và xác định lại thẩm quyền ban hành VBQPPL của một số chủ thể. Theo đó, không quy định Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, lệnh của Chủ tịch nước, văn bản liên tịch, chỉ thị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là VBQPPL. Không quy định việc ban hành thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng kiểm toán Nhà nước và VBQPPL của HĐND, UBND cấp xã, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc ban hành VBQPPL của chính quyền cấp huyện.
Điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật là quy trình xây dựng chính sách trong quá trình xây dựng VBQPPL có sự tách biệt với quy trình soạn thảo văn bản. Khi Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm thì cũng đồng thời xem xét, thông qua chính sách của từng dự án luật, pháp lệnh. Quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền đình chỉ việc thi hành VBQPPL của các Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND có nội dung trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quy định Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của Chính phủ chịu trách nhiệm thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan ngang bộ và chuẩn bị ý kiến của Chính phủ về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức không thuộc Chính phủ, của đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung thêm ba trường hợp được ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn; quy định cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong quá trình tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Tại Phiên họp, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, trong khi không đưa Nghị quyết của Quốc hội thành VBQPPL thì cũng nên bỏ quy định Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là VBQPPL, mở rộng phạm vi ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là VBQPPL, giữ quy định Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là VBQPPL; tán thành bỏ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội nhưng Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về những định hướng lớn trong công tác lập pháp của Nhiệm kỳ Quốc hội; không nên tách quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản; giao cho cơ quan chủ trì thẩm tra quyền quyết định trình hay không trình dự thảo luật, pháp lệnh ra Quốc hội; giữ quy định về việc thành lập Ban soạn thảo khi xây dựng dự thảo Luật…
Nguyễn Phương Thảo
;