Tăng cường cải cách tư pháp để đẩy lùi tiêu cực trong Công an nhân dân
Thứ Ba, 19/08/2014, 14:03 [GMT+7]
Ngày 18-8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và tình hình kết quả hoạt động tư pháp 6 tháng đầu năm 2014.
Quang cảnh buổi làm việc |
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội Chính Trung ương; lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo của Đảng ủy công an Trung ương cho biết: Công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2014 trong Công an nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; kết quả tổng kết 8 năm thi hành Nghị quyết số 49-NQ/TW cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và từng cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân đối với công tác cải cách tư pháp.
Bộ Công an đã xây dựng, trình Quốc hội khóa XIII thông qua dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại Kỳ họp thứ 7; ban hành thông tư hướng dẫn công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân, hoàn thiện dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự gửi Bộ Tư pháp thẩm định… Đây là những dự án luật, pháp lệnh quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý có liên quan đến hoạt động tư pháp và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo kiện toàn mô hình Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân theo hướng thu gọn đầu mối, chất lượng điều tra tiếp tục được nâng lên, số vụ án kết thúc điều tra đề nghị truy tố chiếm tỷ lệ trên 97% về số vụ, 98% về số bị can; các trường hợp đình chỉ điều tra ngày càng giảm và đều có căn cứ pháp luật. Hoạt động phối hợp giữa trinh sát và điều tra tố tụng, nhất là trong điều tra mở rộng vụ án có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục cơ bản tình trạng chia cắt trong quá trình giải quyết vụ việc. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch vững mạnh.
Theo Đảng ủy Công an Trung ương, để đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, dự án được phân công chủ trì xây dựng, nhất là dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, luật tạm giữ, tạm giam; “đề án thực trạng và giải pháp chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp trong Công an nhân dân”.
Đồng thời chỉ đạo tổng kết và xây dựng những nội dung sửa đổi Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự; nâng cao chất lượng công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xoá các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người, tội phạm về môi trường. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, tội phạm về ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm rửa tiền và tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tham gia các diễn đàn song phương, đa phương, tranh thủ sự giúp đỡ, kinh nghiệm và các nguồn lực để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Đảng ủy Công an Trung ương cũng kiến nghị để thực hiện các nội dung của Kết luận số 92-KL/TW có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra cũng như các cơ quan tư pháp, đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương sớm nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận về thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xác định rõ cơ quan nào là cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp, khái niệm và phạm vi hoạt động tư pháp; làm rõ những vấn đề lý luận và xây dựng những nguyên tắc chung về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động tư pháp, để từ đó xác định chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và thể chế hóa trong các dự án luật về tổ chức Cơ quan điều tra.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác cải cách tư pháp của Đảng ủy công an Trung ương, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cần kiên quyết hơn nữa trong công tác chỉ đạo cải cách tư pháp nhằm đẩy lùi tiêu cực, nâng cao tính minh bạch trong lực lượng công an nhân dân.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, dự án được phân công chủ trì xây dựng, nhất là Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam; nâng cao chất lượng công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, phải chỉ đạo, mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, ngừa, đấu tranh chống tội phạm nhất là tội phạm xuyên quốc gia. Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công an cần nhận thức rõ các bài học kinh nghiệm được nêu trong tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49 để thực hiện có hiệu quả…
Đăng Linh
;